HỘI CỰU CHIẾN BINH TRƯỜNG ĐẠI HỌC THÁI BÌNH

06/05/2019

Phát động Hội viên thi đua lập thành tích kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2019) và 129 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2019)

Tuổi trẻ chúng ta sinh ra và lớn lên khi chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã hoàn toàn thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà. Tuy không được tận mắt chứng kiến cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta, nhưng qua những trang sử mà chúng ta được học, qua những thước phim tài liệu, những ca khúc cách mạng, những tác phẩm văn học, nghệ thuật, những câu chuyện kể của cha anh, âm vang hào hùng về một thời chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi vinh quang, luôn vang vọng trong tâm trí mỗi người chúng ta. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử; là chiến thắng của đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta: độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội; đường lối kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Trải qua 9 năm trường kỳ kháng chiến đầy hy sinh, gian khổ, chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định, đập tan ý chí xâm lược của các thế lực thực dân hiếu chiến, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời phải công nhận độc lập của Lào, Campuchia, rút quân khỏi 3 nước Đông Dương. Một nửa nước ta được hoàn toàn giải phóng, mở ra thời kỳ cách mạng mới, xây dựng miền Bắc trong hòa bình, quá độ lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương lớn, vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong chiến dịch lịch sử này, Trung ương Đảng, Chính phủ, Tổng Quân uỷ, Bộ Tổng tư lệnh đã tổ chức, động viên một lực lượng to lớn sức người, sức của của nhân dân Việt Bắc, Tây Bắc, đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, Liên khu Bốn đóng góp cho mặt trận. Hàng vạn người vượt qua muôn vàn gian khó, ngày đêm bạt rừng xẻ núi, mở hàng ngàn km đường giao thông cho bộ đội, dân công chuyển quân, kéo pháo, vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, lập nên biết bao kỳ tích. Trên khắp các chiến trường, cả ở các vùng địch còn tạm chiếm, quân và dân ta đã liên tục tiến công, hợp đồng tác chiến với Điện Biên Phủ, không cho địch tập trung binh lực tiếp viện, giải cứu cho Điện Biên Phủ. Trên chiến trường Điện Biên Phủ, Bộ chỉ huy chiến dịch, Đảng uỷ Mặt trận, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi thực hiện sự chỉ đạo chiến lược và phương châm đánh địch đúng đắn của Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng quân ủy, đã sáng suốt quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” chuyển sang “Đánh chắc, tiến chắc” vào ngay trước giờ chiến dịch mở màn, thể hiện tài thao lược, tinh thần trách nhiệm cao và lòng quả cảm, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của toàn dân, toàn quân. Sau 56 ngày đêm chiến đấu vô cùng anh dũng, với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, bộ đội ta đã tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm của địch vào đúng ngày này 65 năm trước. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một bản anh hùng ca bất hủ bắt nguồn từ truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc ta, từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, từ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân và ý chí quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc của quân và dân ta. Chiến thắng Điện Biên Phủ làm sáng ngời chân lý: Một nước nhỏ, kinh tế chậm phát triển, nếu có một Đảng Mác xít chân chính lãnh đạo, có đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, phát huy được sức mạnh toàn dân tộc, được nhân dân thế giới đồng tình ủng hộ, thì nhất định đánh bại mọi cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù, dù kẻ thù đó mạnh hơn nhiều lần.

Thời gian đã lùi xa, nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu mãi mãi là một mốc son chói lọi trong lịch sử và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, là sức mạnh tinh thần, nguồn cổ vũ, động viên to lớn, đồng thời để lại nhiều bài học quý giá đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và đặc biệt là thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.

Trong những ngày Tháng 5 lịch sử này, mỗi người dân Việt Nam nói chung và thế hệ trẻ chúng ta nói riêng đều nhớ đến ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu với tấm lòng trân trọng, biết ơn và thành kính. Đã 50 năm Bác đi xa nhưng sự nghiệp, tư tưởng và tấm gương đạo đức vĩ đại, sáng ngời của Người vẫn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Năm 21 tuổi, Bác đã ra đi tìm đường cứu nước. Qua gần 40 nước khắp năm châu bốn biển, Bác đã làm đủ mọi nghề để sống và tìm đường cứu nước. Chỉ bằng con đường tự học, Bác đã làm cho cả thế giới kinh ngạc về trí tuệ, sự uyên bác thông thái của Người trên mọi phương diện. Bác có thể nói được nhiều ngôn ngữ như Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung, Tây Ban Nha….chưa kể tiếng các dân tộc thiểu số Việt Nam. Với sự nghiệp báo chí, Bác đã viết hàng nghìn bài cho báo chí trong nước và quốc tế. Ở Lĩnh vực văn học nghệ thuật, với trái tim nhân hậu, đa cảm, Bác đã để lại cho đời nhiều tác phẩm văn, thơ bất hủ …Bác còn là biểu trưng sinh động cho phong cách sống của một con người vĩ đại: Thanh tao, khiêm tốn, cần, kiệm, liêm, chính, không ham danh lợi đạt đến độ mẫu mực, cảm hoá được tình cảm của con người. Trong hành trình tìm đường cứu nước, dù ở đâu, làm gì, Bác cũng đặt lợi ích của tổ chức, của cách mạng và của dân tộc trên hết.

Khi giữ trọng trách Chủ tịch nước, Bác tâm sự: "Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui…". Ở cương vị Chủ tịch nước, Người khước từ ở ngôi nhà sang trọng, mà chỉ ở ngôi nhà nhỏ của người thợ điện phục vụ cho Toàn quyền Đông Dương thời đó.

Ngày 19/5/1946 - lần đầu tiên tổ chức mừng sinh nhật Bác như để biểu thị khối đại đoàn kết toàn dân của một quốc gia non trẻ đang đương đầu với những thử thách to lớn. Hôm đó, tại Bắc Bộ phủ, Bác Hồ đã tiếp đại biểu Thiếu nhi Thủ đô, tự vệ và các đại biểu Nam Bộ đến chúc thọ. Đáp lại tình cảm của mọi người, Bác nói: "Thật ra, mọi người ở đây làm to sinh nhật tôi, chứ tuổi 56 chưa có gì đáng chúc thọ, cũng hãy còn như thanh niên cả, mà trước các anh, các chị, trước cảnh êm vui ở đây, tôi thật thấy làm xấu hổ rằng trong Nam chưa được thái bình". Những năm sau đó, thường cứ đến dịp sinh nhật, Bác lại thực hiện những chuyến công tác xa để tránh chúc tụng, lễ hội. Bác không muốn cái gì riêng cho mình. Đời Bác đã hóa thân tất cả vào dân tộc và nhân loại.

Năm 1965, nhân dịp sinh nhật lần thứ 75, trong tài liệu “Tuyệt đối bí mật” của mình, lần đầu tiên Bác viết: "Năm nay, tôi đã 75 tuổi. Tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn khỏe mạnh. Tuy vậy, tôi cũng là lớp người “xưa nay hiếm”… tôi để lại mấy lời này, chỉ nói tóm tắt vài việc thôi. Phòng khi đi gặp các cụ Các Mác, Lê nin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước và các đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột". Ba năm sau, tình trạng sức khỏe của Bác giảm sút, Người đã nhiều lần sửa đi sửa lại và đặt bút viết câu mở đầu vào tài liệu: “Tuyệt đối bí mật” để gửi lại cho đời sau. Sinh nhật lần thứ 78 của mình, Bác không “vắng nhà” như các năm trước, mà dành tất cả thời gian, tập trung suy nghĩ, sửa chữa bản “Di chúc”. Bác viết thêm một số nội dung cụ thể, căn dặn những việc phải làm ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi là hàn gắn vết thương chiến tranh, chỉnh đốn Đảng, chăm lo đời sống của nhân dân.

Đến tháng 5/1969 khi đó Bác Hồ 79 tuổi, Trung ương có ý định tổ chức mừng thượng thọ Bác 80 tuổi vào năm 1970, Bác nói: "Đừng tổ  chức sinh nhật cho Bác, Bác yếu lắm rồi. Bác chẳng còn biết được bao lâu nữa, tổ chức bày vẽ làm gì, tốn kém ra. Khi miền Nam chưa được giải phóng, Tổ quốc chưa được thống nhất, Bác ăn không ngon, ngủ không yên, Bác không có lòng dạ nào hưởng niềm vui riêng cả". Cái giản dị trong phong cách sống của Bác đã tạo nên hình ảnh về một vị lãnh tụ rất đỗi gần gũi với dân. Giản dị thôi, nhưng không hề giản đơn, bởi bên trong chính một con người giản dị đó là một trí tuệ vĩ đại, một thiên tài về nghệ thuật quân sự, một nhà văn hoá có tầm nhìn rộng. Đó cũng là hiện thân của một dân tộc có sức mạnh tiềm tàng, bền bỉ và tự lực. Một vị lãnh tụ đáng kính với căn nhà ba gian (Nhà 58 – Khu Di tích Phủ Chủ tịch), hay sau đó là một ngôi nhà sàn đơn sơ. Nếu có ai đó được biết đến các giai thoại về mấy lần chuyển nhà của Bác trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch thì còn có thể hiểu sâu sắc hơn nữa cái chất giản dị nơi Bác. Chính sự giản dị đó đã làm kinh ngạc bao vị khách cao cấp quốc tế, các nhà báo nước ngoài khi đến thăm nơi ở và làm việc của Bác. Đặc biệt khi vào thăm căn nhà 67 tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch - nơi Bác đã dưỡng bệnh và trút hơi thở cuối cùng, không ai khỏi bùi ngùi thương Bác. Thương Bác bởi Bác không còn với chúng ta nữa, thương Bác bởi Bác không thể được hưởng trọn niềm vui toàn thắng của dân tộc. Càng thương Bác ta càng thấy tôn trọng Bác hơn, yêu Bác hơn, tự hào về Bác hơn, tự hào về dân tộc Việt Nam của chúng ta hơn.

Cuộc đời hoạt động cách mạng, hiến dâng đời mình cho lý tưởng cách mạng đã phác hoạ cả một giai đoạn lịch sử của một dân tộc từ bùn đen nô lệ vùng lên giành lại tự do, làm gương sáng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Người là kết tinh của dân tộc, là đại diện tiêu biểu nhất cho một dân tộc. Cả cuộc đời, Bác đã dành trọn tình yêu thương của mình cho đồng loại, cho dân tộc. Đó là một thứ tình cảm được thể hiện bằng chính những cử chỉ nhỏ nhất đến những hi sinh cao cả nhất: Bác sẵn sàng nhường miếng cơm ít ỏi của mình cho người khác, bớt lại từng hạt gạo giúp đồng bào qua cơn hoạn nạn, hi sinh cả tình cảm riêng tư của mình cho cách mạng, cho dân tộc. Đó là những tính cách đã đi vào bản chất của mỗi con người Việt Nam, được tôi luyện qua lửa đạn chiến tranh, qua gian nan đời thường. Nhưng ở Bác cái thứ tình cảm đó dường như có gì đó thiêng liêng hơn, trân trọng hơn, không bởi một lẽ Bác là lãnh tụ của chúng ta. Người dành tình yêu thương, sự quan tâm đặc biệt của mình cho các em nhỏ, các cụ già, những người tàn tật. Sự quan tâm, chăm sóc của Bác không phải bột phát, nó cứ thường xuyên, tự nhiên như chính một thành tố cố hữu tạo nên tính cách một con người. Ở Bác có cả một biển cả tình yêu bao la không bao giờ cạn.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dành tình yêu vô bờ bến của mình cho nhân loại, cho nhân dân, Người còn là một nhà thơ. Thơ của Bác có tình yêu thiên nhiên, nhưng phảng phất trong từng vần thơ đó là một tấm lòng luôn hướng về Tổ Quốc (khi xa), là một tinh thần thép, lạc quan vào thành công tất yếu của sự nghiệp cách mạng. Có ai ngắm một bông hoa nở cũng một dạ nghĩ về sự nghiệp giải phóng dân tộc? Có ai bị gông cổ, xích chân, lê bước trên đường dài mệt mỏi mà vẫn có thể sáng tác ra được những câu thơ lạc quan, yêu đời? Phải có một tinh thần, phải có một ý chí, môt nghị lực và trên hết là phải có một tình yêu. Tình yêu đó dành cho ai, tất cả chúng ta đều biết.

Nhân kỷ niệm 129 năm ngày sinh của Bác, chúng ta lại càng nhớ Bác, nguyện học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác mà như nhà thơ Tố Hữu đã ca ngợi:

“… Mong manh áo vải hồn muôn trượng

Hơn tượng đồng soi những lối mòn…”.

Bác Hồ – cái tên gọi thật đỗi thân thương, gần gũi. Bác Hồ – một tư tưởng lớn trong một con người giản dị. Bác Hồ – vị lãnh tụ của chúng ta, là kết tinh văn hoá của cả dân tộc Việt Nam. Bác Hồ – Người mãi mãi cùng chúng ta trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bác đã đi xa, song những lời căn dặn, chỉ dẫn thiêng liêng và tình cảm thiết tha của Người đã trở thành mệnh lệnh trái tim đối với mỗi người dân Việt Nam không chỉ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà còn là cương lĩnh hành động của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc hiện nay.

Với lớp trẻ chúng ta hôm nay, chúng ta đời đời ghi lòng, tạc dạ công lao trời biển của Bác Hồ muôn vàn kính yêu và của Đảng Cộng sản Việt Nam, mãi mãi biết ơn vô hạn sự cống hiến to lớn của các thế hệ cách mạng đi trước, sự hy sinh vô bờ bến của các Mẹ Việt Nam Anh hùng, của các thế hệ cha anh ở mọi miền đất nước đã dâng hiến tuổi thanh xuân và cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất non sông, đem lại hòa bình, tự do, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, ấm no, hạnh phúc cho dân tộc trong đó có thế hệ trẻ chúng ta ngày hôm nay.

Càng trân trọng và tự hào về lịch sử, chúng ta càng ý thức sâu sắc rằng, nền độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất mà hôm nay chúng ta có được đã phải đổi bằng xương máu, tuổi xuân, cuộc đời, hạnh phúc của biết bao lớp người đi trước. Trách nhiệm của thế hệ trẻ chúng ta hôm nay là phải ra sức gìn giữ cho bằng được những thành quả cách mạng vĩ đại đó, mỗi thanh niên, học sinh, sinh viên Việt Nam phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh cao cả của thế hệ cha anh, xứng đáng với sự tin yêu và kỳ vọng của Đảng, Bác Hồ và của cả dân tộc Việt Nam.

                                                                     Thái Bình ngày 05 tháng 5 năm 2019