KỶ NIỆM 77 NĂM NGÀY TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN (19/12/1946 - 19/12/2023)

19/12/2023

Ngày 19/12/1946  Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra "Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến". Sáng ngày 20/12/1946, “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam được phát đi khắp cả nước. Hưởng ứng Lời hiệu triệu của Người, nhân dân Việt Nam đã cùng nhau đứng lên bảo vệ tổ quốc với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Media/1_TH1062/FolderFunc/202312/Images/toanquockhangchien-20231219024608-e.jpg
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh

"Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!

Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước.

Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!

Việt Nam độc lập và thống nhất muôn nǎm!

Kháng chiến thắng lợi muôn nǎm!"

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" thể hiện những quan điểm cốt lõi của Người về kháng chiến toàn dân, cũng như mệnh lệnh của non sông, thôi thúc cả dân tộc chung sức, đồng lòng vùng dậy quyết chiến, quyết thắng thực dân Pháp xâm lược. Tác phẩm, bút tích của Người cùng những tư tưởng trong đó vẫn sáng ngời giá trị và ý nghĩa lớn lao đối với thế hệ ngày nay.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chỉ 21 ngày sau, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta. Tuy vậy, Chính phủ ta vẫn tiếp tục chủ trương hòa bình, ký Hiệp định sơ bộ (06/3/1946), nhận Việt Nam là nước tự do (chưa phải độc lập), nhượng bộ cho quân Pháp ra đóng ở miền Bắc (sẽ rút dần trong 5 năm), sau đó lại ký Tạm ước 14/9/1946 mong duy trì đàm phán hòa bình. Song ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, ngày 18, 19/12/1946, đại diện Pháp liên tiếp gửi tối hậu thư cho Chính phủ ta. Thực tế cho thấy khả năng hòa hoãn không còn, thực dân Pháp đã công khai tuyên bố chúng sẽ hành động vào sáng 20/12/1946 nếu Chính phủ ta khước từ những điều nêu trong tối hậu thư của chúng.

Cùng với Hà Nội, quân và dân các địa phương khắp Bắc, Trung, Nam, từ Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương… đến Thanh Hóa, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn… đã đồng loạt anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Cả dân tộc muôn người như một, chung sức đồng lòng, cùng nhau đứng lên cầm vũ khí chống giặc ngoại xâm với ý chí sục sôi, quyết tâm hy sinh và niềm tin tất thắng.

Qua 77 năm sau ngày toàn quốc kháng chiến, đất nước ta đã trải qua nhiều sự kiện chính trị lớn và tiến những bước tiến dài, tình thế đã có nhiều thay đổi nhưng Lời kêu gọi bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng vẫn khắc sâu trong tâm khảm mỗi người Việt Nam hôm nay; ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của nó vẫn còn nguyên giá trị. Trong giai đoạn hiện nay, trước những thời cơ và thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế, giá trị lịch sử của "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" vẫn luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của Đảng và toàn thể dân tộc ta.