DIỄN ĐÀN KẾT NỐI MẠNG LƯỚI KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC
Trong khuôn khổ chương trình Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI năm 2024, chiều 12/5, tại Trường Đại học Cần Thơ đã diễn ra Diễn đàn kết nối mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các trường đại học, cao đẳng. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dự và phát biểu tại diễn đàn.
Cùng dự có Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi, lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ GDĐT, đại diện một số Bộ, ngành, địa phương, mạng lưới khởi nghiệp, đại diện các trường đại học, cao đẳng, doanh nghiệp, nhà đầu tư và đông đảo sinh viên.
Quang cảnh diễn đàn
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá từ khoá “kết nối” được chọn cho diễn đàn là rất hay và rất quan trọng trong khởi nghiệp. Từ đó, Bộ trưởng đã có những phân tích, chia sẻ cụ thể xung quanh từ khoá này.
Theo Bộ trưởng, đối với các cơ sở giáo dục đại học cần thống nhất rằng vấn đề có tính chất góc rễ khởi nghiệp cho sinh viên phải bắt đầu từ hoạt động đào tạo và nghiên cứu, với lưu ý đào tạo, nghiên cứu gắn với thực tiễn, gắn với doanh nghiệp.
“Nếu đào tạo và nghiên cứu không mang tính thực tiễn cao thì khó có thể nói sinh viên khởi nghiệp cao. Tính thực tiễn trong trong nội dung dạy và học càng cao sinh viên càng giàu ý tưởng khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công cao. Khởi nghiệp không thuần tuý mang tính chất phong trào, mà đối với các cơ sở giáo dục đại học khởi nghiệp phải có chiều sâu, tạo dựng cho khởi nghiệp yếu tố nền tàng là tính thực tiễn, kết nối với thực tiễn, kết nối với doanh nghiệp”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại diễn đàn
Bộ trưởng cho rằng, tinh thần khởi nghiệp ở các trường đại học phải bắt đầu từ xây dựng, phát triển chương trình đào tạo, nội dung dạy và học, hoạt động nghiên cứu khoa học và phải bắt đầu từ người thầy. Ở đâu người thầy tham gia nhiều trong kết nối, chuyển giao sản phẩm thì ở đó sinh viên được thúc đẩy, truyền cảm hứng trong thực tế.
Đối với các trường đại học, kế cả chương trình chính thức hay bổ trợ, cần lưu ý quan tâm tới trang bị kỹ năng để tỷ lệ khởi nghiệp thành công cao nhất, giảm thiểu “vấp ngã” trong quá trình khởi nghiệp. “Mục tiêu rất cao của khởi nghiệp là thành công sớm nhưng không thoả mãn. Để làm được điều đó, đối với các trường đại học cần nhiều chuẩn bị, trong đó bao gồm cả chuẩn bị về kỹ năng cho sinh viên”, Bộ trưởng chia sẻ.
Bên cạnh lưu ý tới vấn đề thương mại hoá sản phẩm, Bộ trưởng cũng lưu tâm đặc biệt tới vấn đề ưu tiên khởi nghiệp của sinh viên gắn liền với phát triển một số lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật mũi nhọn.
Đại biểu tham dự diễn đàn
“Chúng ta đang phát triển nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghệ và kỹ mũi nhọn như vi mạch bán dẫn, năng lượng mới, năng lượng sạch, vật liệu mới, trí tuệ nhân tạo… cùng đồng thời với đào tạo phải phát triển nghiên cứu. Nếu đào tạo và nghiên cứu không mạnh dạn nghĩ tới đổi mới sáng tạo, chuyển giao, khởi nghiệp thì sẽ đến điểm dừng nhanh chóng”, Bộ trưởng nói, đồng thời cho rằng: Đến một lúc nào đó phải có doanh nghiệp bán dẫn của Việt Nam. Đây là mục tiêu xa, khó nhưng khó mới là khởi nghiệp. Chỉ có dám dấn thân khởi nghiệp ở những lĩnh vực nhiều thách thức thì mới thành công lớn.
Tinh thần “kết nối” trong khởi nghiệp còn được Bộ trưởng phân tích từ góc độ hợp tác, hỗ trợ, đồng hành giữa các trường đại học, các sinh viên, giảng viên. Theo Bộ trưởng, sự kết nối giữa các sinh viên trong khởi nghiệp, tinh thần phối hợp, hợp tác, chia sẻ không chỉ để đi đến thành công tốt hơn mà còn là hoạt động mang tính giáo dục, là bài học được dạy cho sinh viên trong quá trình lập thân, lập nghiệp.
Đại diện các trường đại học tham gia trao đổi tại diễn đàn
“Chúng ta vừa hỗ trợ cho khởi nghiệp nhưng cũng vừa góp phần tạo dựng đội ngũ thương nhân trong tương lai. Đó là đội ngũ thương nhân không chỉ biết vượt qua khó khăn, thách thức mà còn có tầm nhìn, có đầy đủ phẩm chất, sự chia sẻ, trách nhiệm, đạo đức và khát vọng”, chia sẻ điều này, Bộ trưởng khẳng định: Không ai khác chính giáo dục bắt đầu tham gia vào quá trình tạo dựng lâu dài này của đất nước, khi ngày càng nhiều doanh nhân, ngày càng nhiều người khởi nghiệp.
Tại Diễn đàn kết nối mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các trường đại học, cao đẳng, đại diện Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), đại diện Mạng lưới Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đại học, cao đẳng Việt Nam (VNEI) và đại diện các trường đại học đã có những trao đổi, chia sẻ xung quanh vấn đề đào tạo, tập huấn cho sinh viên về khởi nghiệp sáng tạo, những kinh nghiệm thực tiễn trong thúc đấy khởi nghiệp ở các trường đại học và đề xuất để phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp khu vực đại học.
Phát biểu kết thúc diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh tới việc cần nhận thức đúng về khởi nghiệp sáng tạo, từ nhận thức đúng sẽ đến lựa chọn đúng và mang đến con đường đi đúng. Theo Thứ trưởng, con đường đi đúng ấy bắt đầu từ tuổi trẻ, khi chọn đúng sẽ không lạc đường, không phải làm lại, sẽ đi nhanh hơn và thành công hơn. Bởi trên thực tế, vẫn có những sinh viên chưa nhận thức đúng về khởi nghiệp. Do đó, sự lựa chọn, nhận thức đúng, con đường đi đúng là vô cùng quan trọng.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu kết thúc diễn đàn
Nhắc lại chủ đề “kết nối” của diễn đàn, Thứ trường cho rằng, luôn có sự nối kết, xích lại cùng nhau, sự chia sẻ, đồng hành. Trong đó, bao gồm sự kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp, kết nối giữa cơ sở giáo dục với địa phương và kết nối giữa bậc học phổ thông với bậc học đại học.
Để làm tốt khởi nghiệp sáng tạo, Thứ trưởng đề nghị các cơ sở giáo dục đại học xác định rõ quan điểm, mục tiêu về khởi nghiệp; tăng cường hoạt động hỗ trợ sinh viên, trung tâm khởi nghiệp; tạo hệ sinh thái khởi nghiệp, xây dựng mô hình hỗ trợ khởi nghiệp thiết thực, cụ thể; quan tâm chuyển giao tri thức, tài sản tri thức và vốn tri thức; hiện thực hoá nguồn tri thức, khởi nghiệp sẽ có nền tàng vững chắc từ trí tuệ; xây dựng được đội ngũ tư vấn hướng dẫn khởi nghiệp, đội ngũ truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên.
Về phía Bộ GDĐT, Thứ trưởng cho biết: Bộ sẽ tổ chức sơ kết kết quả thực hiện Đề án 1665 về “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Trong đó, tập trung đánh giá thực chất những gì đã làm được, chưa làm được, tham mưu triển khai tiếp theo; đặc biệt là rà soát, tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, qua đó có hành lang pháp lý quan trọng vững chắc để làm tốt hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi chụp ảnh lưu niệm với đại diện một số trường đại học, doanh nghiệp tham dự diễn đàn
Liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa các Bộ, ngành trong triển khai Đề án 1665 và lựa chọn, xông pha vào những lĩnh vực khó, mới để khởi nghiệp sáng tạo cũng là những vấn đề theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi sẽ được tập trung hơn nữa trong thời gian tới.
“Khởi nghiệp có ý nghĩa quan trọng là khởi đầu, bắt đầu. Bắt đầu bao giờ cũng đưa đến một hành trình, đã bắt đầu đi sẽ có đến và tin tưởng đích đến là thành công”, Thứ trưởng chia sẻ.
Theo Cổng tin Bộ Giáo dục Đào tạo