HỘI THẢO KHOA HỌC: “GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN TRƯỜNG ĐẠI HỌC THÁI BÌNH ĐẾN NĂM 2050”
Sáng ngày 17/7/2025, Nhóm nghiên cứu Quản lý công, Quản trị địa phương và Quốc tế thuộc Trường Đại học Thái Bình đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp phát triển toàn diện Trường Đại học Thái Bình đến năm 2050”. Đây là hoạt động học thuật có ý nghĩa chiến lược, góp phần định hình tầm nhìn và định hướng dài hạn cho sự phát triển toàn diện của nhà trường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và hội nhập sâu rộng.



Các đại biểu tham dự
Hội thảo được điều hành bởi PGS.TS. Phạm Quốc Thành – Trưởng nhóm nghiên cứu Quản lý công, quản trị địa phương và quốc tế, TS. Trần Bách Hiếu – Trưởng khoa và TS. Đinh Ngọc Chính – Phó Trưởng khoa Luật, Chính trị học và Quan hệ quốc tế.
Tham dự hội thảo có TS. Trần Thị Bích Hằng – Chủ tịch Hội đồng trường; TS. Hà Văn Đổng – Phó Hiệu trưởng; TS. Trần Thị Hòa – Phó Hiệu trưởng cùng lãnh đạo và cán bộ, giảng viên, sinh viên các phòng, khoa, trung tâm, các đơn vị trực thuộc Nhà trường.

TS. Trần Bách Hiếu, Trưởng khoa Luật, Chính trị học và Quan hệ quốc tế
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Trần Bách Hiếu đã nêu bật ý nghĩa của việc tổ chức hội thảo trong giai đoạn hiện nay. Ông cho rằng, để phát triển một trường đại học thực sự toàn diện đến năm 2050, cần xác định rõ ràng các trụ cột chiến lược, có sự tham gia đồng hành của cả hệ thống, từ đội ngũ quản lý, giảng viên đến sinh viên. Theo TS. Hiếu, hội thảo lần này là cơ hội để nhìn lại thực trạng, nhận diện thách thức, đồng thời đề xuất các giải pháp mang tính đột phá nhưng vẫn đảm bảo tính khả thi. Ông cũng nhấn mạnh vai trò của nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và mô hình quản trị hiện đại như những yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của nhà trường trong tương lai.

TS. Hà Văn Đổng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình
TS. Hà Văn Đổng, Phó Hiệu trưởng nhà trường tập trung vào yêu cầu đổi mới quản trị theo hướng minh bạch, hiệu quả, đồng thời khuyến khích phát huy thế mạnh nội lực và thúc đẩy liên kết chiến lược với các đối tác bên ngoài để tăng sức cạnh tranh cho trường trong hệ thống giáo dục đại học.





Các đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo
Nội dung hội thảo tập trung vào các định hướng then chốt là nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ nhà trường; tăng cường chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học; xây dựng mô hình quản trị đại học hiện đại; mở rộng hợp tác quốc tế và kết nối với cộng đồng địa phương.
Các tham luận được trình bày tại hội thảo đã phân tích sâu sắc những yêu cầu đặt ra trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, tăng cường năng lực nghiên cứu, đồng thời đẩy mạnh liên kết với các tổ chức trong và ngoài nước. Một số tham luận cũng đưa ra đề xuất cải tiến cơ cấu quản trị, tăng cường tính minh bạch, tự chủ và hiệu quả trong điều hành.










Phần thảo luận diễn ra sôi nổi với sự tham gia tích cực từ cả cán bộ và sinh viên. Các cán bộ, giảng viên bày tỏ mong muốn sinh viên phát huy tinh thần chủ động hơn nữa trong học tập và nghiên cứu, tham gia nhiều hơn vào các hoạt động ngoại khóa, phong trào khởi nghiệp và phát triển bản thân. Ở chiều ngược lại, sinh viên cũng chia sẻ mong muốn có thêm các hoạt động thiết thực, đa dạng và mang tính kết nối, nhằm tạo điều kiện cho các em phát triển toàn diện, không chỉ trong học thuật mà còn trong kỹ năng mềm và năng lực xã hội.

TS. Trần Thị Bích Hằng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thái Bình
Tại Hội thảo, lãnh đạo nhà trường cũng có những phát biểu quan trọng, thể hiện sự đồng thuận cao trong định hướng phát triển. TS. Trần Thị Bích Hằng, Chủ tịch Hội đồng trường khẳng định việc xây dựng tầm nhìn dài hạn đến năm 2050 là nhiệm vụ không thể chậm trễ, đòi hỏi sự tham gia chủ động, sáng tạo từ tất cả các cấp trong trường. Bà nhấn mạnh yếu tố con người là trung tâm của mọi chuyển đổi và cần được đầu tư đúng mức cả về năng lực chuyên môn lẫn tinh thần cống hiến.

PGS.TS. Phạm Quốc Thành, Trưởng nhóm nghiên cứu Quản lý công, quản trị địa phương và quốc tế
Phát biểu bế mạc hội thảo, PGS.TS. Phạm Quốc Thành đã tổng kết những nội dung chính được trình bày và thảo luận, đồng thời ghi nhận các ý kiến đóng góp đến từ nhiều góc độ. PGS.TS. Phạm Quốc Thành đánh giá cao tinh thần nghiêm túc, khoa học và trách nhiệm của toàn thể đại biểu, hội thảo lần này không chỉ là một hoạt động học thuật đơn thuần, mà còn là bước khởi đầu quan trọng để hình thành một kế hoạch phát triển chiến lược dài hạn, khả thi và gắn với thực tiễn. Trưởng nhóm nghiên cứu khẳng định nhà trường khẳng định để đạt mục tiêu đến năm 2050, Trường Đại học Thái Bình cần phát huy sức mạnh nội lực, trong đó yếu tố con người gồm cả cán bộ lẫn sinh viên chính là chìa khóa của mọi đổi mới.


Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Hội thảo kết thúc trong không khí nghiêm túc, cầu thị và đầy tinh thần hợp tác, mở ra một giai đoạn mới trong hành trình xây dựng Trường Đại học Thái Bình hiện đại, hội nhập và có bản sắc riêng trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
TBU MEDIA