KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SỸ (27/7-1947-27/7/2022)

24/07/2022

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, khi chính quyền cách mạng đang còn non trẻ thì thực dân Pháp âm mưu trở lại xâm lược nước ta. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn độc lập tự do, quân và dân ta ở những nơi thực dân Pháp gây hấn đã chiến đấu anh dũng, chặn bước xâm lược của thực dân.

Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ bị nạn (sau đổi thành Hội giúp binh sĩ bị thương) được thành lập ở Thuận Hóa- Huế, ở Hà Nội và một số địa phương khác. Hồ Chủ tịch được bầu là Hội trưởng danh dự.

Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, chiến tranh lan rộng ra nhiều vùng. Số người bị thương, hy sinh tăng lên. Đời sống của chiến sĩ, nhất là những chiến sĩ bị thương gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trong tình hình ấy, Đảng và Chính phủ ta đã nghiên cứu và cho công bố những chính sách đầu tiên về công tác thương binh, liệt sỹ như: hưu bổng, thương tật, tiền tuất cho gia đình tử sĩ, góp phần ổn định đời sống tinh thần và vật chất của thương binh, gia đình liệt sĩ trong thời kỳ đầu của cuc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Tháng 6/1947, đại biểu của tổng bộ Việt Minh, Trung ương hội Phụ nữ cứu quốc, Trung ương Đoàn thanh niên cứu quốc, cục Chính Trị Quân Đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Bắc Thái) để bàn về công tác thương binh liệt sĩ và thực hiện chỉ thị của Hồ chủ tịch chọn một ngày nào đó làm ngày Thương binh liệt sĩ. Sau khi cân nhắc nhiều mặt, hội nghị nhất trí đề nghị Trung Ương lấy ngày 27/7/1947 làm ngày thương binh liệt sĩ – ngày toàn dân cùng thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn.

Từ 1955, ngày Thương binh toàn quốc được đổi thành ngày Thương binh liệt sĩ để thể hiện đầy đủ hơn tình cảm của toàn Đảng, toàn dân đối với tất cả những người đã hy sinh xương máu của mình cho Tổ quốc nở hoa độc lập, kết trái tự do. Cũng từ đó, hàng loạt chính sách chế độ đối với thương binh và gia đình liệt sĩ được ban hành.

Và chỉ sau ngày kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ mùa xuân 1975 lịch sử hai tháng, thực hiện lời Bác Hồ "ăn quả nhớ người trồng cây" Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra chỉ thị giải quyết vấn đề thương binh và xã hội. Cũng từ 1975, ngày Thương binh- Liệt sĩ đã được tổ chức trên toàn quốc với nhiều hình thức phong phú, có ý nghĩa chính trị sâu sắc.

Sau 30 năm chiến đấu hy sinh, qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại, hàng triệu người con ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống hay mãi mãi chịu mang thương tật. Ngày 27-7 hàng năm là dịp để toàn dân biểu hiện những tình cảm sâu xa nhất, với tinh thần Uống nước nhớ nguồn, ơn trả nghĩa đền làm trọn nghĩa vụ với các đồng chí đã hy sinh như Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ IV đã chỉ rõ: "... Săn sóc và giúp đỡ chu đáo thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng. Tích cực chữa bệnh và thương tật, bồi dưỡng sức khỏe cho thương binh, cung cấp phương tiện và dụng cụ chuyên dùng cần thiết, tổ chức tốt việc dạy nghề và bố trí công việc thích hợp cho thương binh, thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ đối với thương binh và gia đình liệt sĩ..."

Trong nhiều năm qua, mặc dù nền kinh tế đất nước còn đang gặp nhiều khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng đến công tác thương binh, liệt sỹ. Nhiều chế độ chính sách đối với thương binh, gia đình thân nhân liệt sỹ được ban hành, đảm bảo cho các gia đình liệt sỹ có mức sống ổn định. Cứ sau mỗi giai đoạn phát triển kinh tế, chế độ, chính sách đối với người có công với đất nước lại được điều chỉnh lên mức cao hơn, phù hợp hơn với nhng gì đất nước đang và sẽ có, để chăm sóc và lo toan cho những gia đình đã mất mát, đã hy sinh.

Thái Bình là tỉnh giàu truyền thống cách mạng. Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đã có hơn 40 vạn người con Thái Bình gia nhập các lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong, trong đó có hàng vạn người tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và kháng chiến chống Mỹ, sát cánh, dũng cảm chiến đấu và phục vụ chiến đấu cùng quân và dân cả nước. Hiện nay toàn tỉnh có trên 51 nghìn liệt sĩ, 32 nghìn thương, bệnh binh, 6 nghìn người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày trong các nhà tù của thực dân, đế quốc. Gần 50 nghìn gia đình có công với nước, gần 3 vạn người nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin, có 4.928 mẹ được phong tặng, truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ VNAH anh hùng”.

Với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, trong 75 năm qua, Đảng bộ, nhân dân Thái Bình đã thường xuyên thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng. Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành phong trào sâu rộng trong các cơ quan, đơn vị và trong các tầng lớp nhân dân, góp phần ổn định đời sống vật chất, tinh thần, động viên các thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng tiếp tục phát huy truyền thống, đóng góp cho sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Song song với việc thực hiện các chế độ ưu đãi đối với người và gia đình có công với cách mạng, phong trào vận động ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng mở rộng và phát triển, đã hỗ trợ cho các đối tượng chính sách trong việc xây mới, tu sửa, nâng cấp nhà ở, trợ cấp cho các đối tượng khó khăn, đầu tư cho công tác mộ, nghĩa trang liệt sỹ, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, hỗ trợ chăm sóc thương binh nặng. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã thực sự mang đậm nét nhân văn, thể hiện truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc”.

Mặc dù là một tỉnh còn đang phát triển, nhưng lãnh đạo tỉnh, nhân dân trong tỉnh vẫn dành sự quan tâm chăm sóc và nhiều tình cảm cho các thương binh, gia đình liệt sỹ. Thực hiện nghiêm túc các chế độ chính sách đối với các đối tượng thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” luôn được toàn xã hội hưởng ứng; các tổ chức chính trị- xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp luôn có hoạt động tri ân thiết thực như tặng quà nhân dịp 27/7 hàng năm cho các gia đình thương binh liệt sỹ, ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa…

Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả mà nó để lại vẫn còn đó cần nhiều sự cố gắng khắc phục, song phát huy truyền thống quê hương và lòng tự hào về sự đóng góp của bản thân mình, của những người thân yêu nhất trong gia đình mình, các đồng chí thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ luôn có gắng vượt qua những khó khăn về thể xác và tinh thần đã tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, với bản lĩnh bộ đội cụ Hồ, nhiều đồng chí phát huy sức khoẻ còn lại của mình, luôn hăng say lao động sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng, góp sức cùng cộng đồng phát triển, nhiều đồng chí là tấm gương sáng cho nhiều người cùng học tập và noi theo.

Đối với các gia đình thân nhân liệt sỹ đều cố gắng vượt qua khó khăn, tích cực trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế nâng cao đời sống. Đến nay không có gia đình chính sách và người có công thuộc hộ nghèo. Các gia đình chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động phong trào của địa phương, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết ở khu dân cư.

Thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và phong trào đền ơn đáp nghĩa, trong 5 năm qua, Trường Đại học Thái Bình đã phát động cán bộ viên chức, người lao động và HSSV ủng hộ quỹ để trao quà cho các thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng vào các dịp kỷ niệm 27/7, Tết nguyên đán hàng năm.