NGÀNH CÔNG NGHỆ KỸ THUẬT CƠ KHÍ
NGÀNH CÔNG NGHỆ KỸ THUẬT CƠ KHÍ
(Mã trường: DTB; Mã ngành: 7510201)

1. Giới thiệu chung về ngành Công nghệ Kỹ thuật cơ khí
Ngành cơ khí luôn là một trong những ngành then chốt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trên toàn thế giới và là trái tim của quá trình công nghiệp hóa đang phát triển nhanh chóng. Hiện nay, tất cả các máy móc vận hành trong các dây chuyền sản xuất, hoạt động ở mọi nơi từ mặt đất, biển đảo và bầu trời đều có sự đóng góp lớn của các nhà khoa học, các tổng công trình sư, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, công nhân cơ khí. Trong tương lai nhu cầu nhân lực ngành này sẽ tăng cao, tạo nhiều cơ hội việc làm cho người học. Kỹ sư cơ khí có thể đảm nhận việc thiết kế, lên bản vẽ, lắp đặt hoặc gia công máy móc, thiết bị tại các nhà máy, công trình, công ty cơ khí; chuyên viên tư vấn, thiết kế, vận hành, sửa chữa máy móc, thiết bị cơ khí; hay cán bộ quản lý, điều hành kỹ thuật tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về cơ khí phục vụ an ninh, quốc phòng, ô tô, tàu thủy, hàng không, …
Định hướng các chuyên ngành đào tạo
1.1. Chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí
Là ngành ứng dụng các nguyên lý vật lý để tạo ra các loại máy móc và thiết bị hoặc các vật dụng hữu ích. Ngành có vai trò tham gia trong hoạt động sản xuất thực tế, nơi các kỹ sư công nghệ chế tạo máy tham gia việc vận hành toàn bộ quy trình chế tạo ra các sản phẩm (cơ khí), đồng thời tối ưu hóa quá trình sản xuất đảm bảo tính hiệu quả, tính kinh tế nhất có thể. Ngành này phục vụ cho công tác thiết kế trong các lĩnh vực như ô tô, máy bay và các phương tiện giao thông khác, các hệ thống gia nhiệt và làm lạnh, đồ dùng gia đình, máy móc và thiết bị sản xuất, vũ khí….
- Cơ sở vật chất: Trang bị các phòng Thực hành hiện đại: Nguội, Tiện, Phay, Bào, Gò hàn, CNC, Khí nén - Thuỷ lực, PLC, CAD/CAM …
- Vị trí việc làm khi tốt nghiệp: Phòng KT của các doanh nghiệp; kỹ thuật viên quản lý, điều hành sản xuất; tham gia lắp đặt các thiết bị máy móc cơ khí … Thiết kế, lập trình, gia công các sản phẩm cơ khí trên máy CNC, Tiện, Phay, Bào; thiết kế, lắp đặt, bảo trì, sửa chữa các thiết bị cơ khí …
1.2. Chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật Nhiệt
Chuyên ngành Kỹ thuật Nhiệt hay Công nghệ Kỹ thuật Nhiệt – Lạnh là ngành có mặt trong hầu hết các lĩnh vực công nghiệp, dân dụng, sản xuất và sử dụng năng lượng. Ngành Kỹ thuật nhiệt tạo ra cơ hội việc làm cho các kỹ sư ra trường tại các nhà máy nhiệt điện, dầu khí, hoá chất, dệt may và xi măng….
Là chuyên ngành học nghiên cứu về các hệ thống kỹ thuật nhiệt, lạnh, ứng dụng khoa học kỹ thuật để thiết kế, vận hành các hệ thống, trang thiết bị nhiệt, lạnh, phục vụ cho nhu cầu con người cũng như trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Ngành này đào tạo những kỹ sư có khả năng thiết kế, chế tạo, sửa chữa, vận hành, bảo trì các thiết bị có liên quan đến ngành như: Kỹ thuật lạnh, kỹ thuật điều hòa không khí, năng lượng tái tạo, kỹ thuật nhiệt, kỹ thuật tiết kiệm năng lượng,..
- Cơ sở vật chất: Trang bị các phòng Thực hành hiện đại: Điện lạnh cơ bản, Thực hành tủ lạnh, Máy điều hòa nhiệt độ; Hệ thống máy đá, cấp đông, kho lạnh; điều hòa không khí, điều hoà ô tô …
- Vị trí việc làm khi tốt nghiệp: Tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp; phòng kỹ thuật của các doanh nghiệp; tại các nhà máy điện, nhà máy giấy, nhà máy chế biến thực phẩm, nhà máy dệt – sợi, nhà máy thủy hải sản, nhà máy đường, nhà máy bia - rượu - nước giải khát, công ty cơ điện lạnh, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, cảng biển, sân bay ...
1.3. Chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật Ô tô
Công nghiệp ô tô đang là ngành mũi nhọn và được ưu tiên phát triển trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay. Cùng với việc đầu tư của các hãng ô tô nước ngoài vào Việt Nam đang ngày càng tăng, ngành Công nghệ Kỹ thuật Ô tô hiện đang là ngành thu hút rất nhiều sinh viên theo học tại các trường đại học lớn.
Là chuyên ngành học tích hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực như: Cơ khí, tự động hóa, điện - điện tử và công nghệ chế tạo máy, chuyên về khai thác, sử dụng và quản lý dịch vụ kỹ thuật ô tô, điều hành sản xuất phụ tùng, lắp ráp, cải tiến và nâng cao hiệu quả sử dụng. Ngành học này đào tạo những kỹ sư có kiến thức cơ bản về Toán học, Khoa học tự nhiên và Kỹ thuật cơ sở, đáp ứng được việc tiếp thu kiến thức chuyên ngành, cũng như có khả năng tự học để nâng cao trình độ chuyên môn.
- Cơ sở vật chất: Trang bị các phòng Thực hành hiện đại: Động cơ đốt trong (Động cơ xăng, Động cơ dầu), Hệ thống Điện - Điện tử trên ô tô, Hệ thống khung gầm ô tô, Hệ thống điều hòa không khí trên ô tô, Chẩn đoán lỗi ô tô …
- Vị trí việc làm khi tốt nghiệp: Phòng KT của doanh nghiệp ô tô, xe máy và máy xây dựng như Honda, Toyota; Piaggio, Komasu, Ford, Vinfast, … Kỹ sư vận hành, giám sát sản xuất phụ tùng, phụ kiện và lắp ráp; cố vấn dịch vụ, quản lý thiết bị, sửa chữa, vận hành, bảo trì ôtô, xe máy và thiết bị động lực. Kiểm định viên tại các trạm đăng kiểm ô tô; nhân viên kinh doanh tại các doanh nghiệp ô tô, xe máy, máy xây dựng, phụ tùng ô tô và xe máy ...
2. Tầm quan trọng của ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí
Ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí giữ vị trí then chốt trong sự phát triển kinh tế - kỹ thuật của mỗi quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số hiện nay. Đây là ngành học nền tảng, đóng vai trò thiết yếu trong việc thiết kế, chế tạo, vận hành và bảo trì các hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất và thiết bị công nghiệp trong hầu hết các lĩnh vực như chế tạo ô tô, công nghiệp quốc phòng, điện – điện tử, xây dựng, giao thông vận tải, hàng không – vũ trụ, nông nghiệp công nghệ cao và năng lượng tái tạo.
Với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, ngành cơ khí không còn đơn thuần là kỹ thuật thuần túy mà đã chuyển mình mạnh mẽ nhờ ứng dụng các công nghệ hiện đại như tự động hóa, điều khiển số, robot công nghiệp, in 3D, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT)... Các công nghệ hiện đại này góp phần nâng cao hiệu suất sản xuất, giảm chi phí, tối ưu hóa quy trình vận hành và giúp ngành cơ khí đáp ứng linh hoạt nhu cầu đa dạng của thị trường.
Bên cạnh đó, ngành cơ khí còn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh công nghiệp, tăng cường khả năng nội địa hóa thiết bị, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường toàn cầu. Do đó, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí là yêu cầu cấp thiết để đất nước phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
3. Lý do nên chọn ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí
1. Là trường đại học công lập, đa ngành, đa lĩnh vực, theo định hướng ứng dụng, thuộc top đầu khu vực Đồng bằng Sông Hồng, được sự quan tâm đặc biệt của địa phương; các bộ, ban, ngành, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
2. Ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí là xương sống của nền công nghiệp hiện đại: Cơ khí là nền tảng của hầu hết các ngành sản xuất và chế tạo. Từ ô tô, hàng không, máy móc nông nghiệp, thiết bị y tế đến sản phẩm tiêu dùng – tất cả đều cần kỹ thuật cơ khí.
3. Nhu cầu nhân lực lớn và ổn định: là một trong những ngành luôn “khát” nhân lực, đặc biệt tại các khu công nghiệp, nhà máy và doanh nghiệp sản xuất.
4. Cơ hội việc làm đa dạng: Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực: thiết kế cơ khí, gia công – chế tạo, bảo trì - sửa chữa, quản lý sản xuất, tự động hóa, R&D, kỹ thuật ứng dụng và nhiều lĩnh vực liên quan khác.
5. Mức thu nhập hấp dẫn: Kỹ thuật cơ khí có thu nhập khởi điểm tương đối cao, và có thể tăng nhanh theo kinh nghiệm và năng lực.
6. Phát triển tư duy kỹ thuật và sáng tạo: Ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí giúp rèn luyện khả năng tư duy logic, kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng sáng tạo trong thiết kế và cải tiến máy móc.
7. Thích hợp với xu hướng chuyển đổi số và công nghiệp 4.0: Cơ khí hiện đại tích hợp nhiều công nghệ như CAD/CAM/CAE, in 3D, robot công nghiệp, IoT, AI… tạo điều kiện cho cử nhân cơ khí cập nhật nhanh các xu hướng công nghệ tiên tiến.
8. Dễ khởi nghiệp hoặc làm việc tự do: Người học có thể tự mở xưởng cơ khí, dịch vụ sửa chữa - gia công hoặc thiết kế máy theo đơn hàng.
9. Cơ hội học tập và làm việc ở nước ngoài: Nhiều quốc gia phát triển như Đức, Nhật, Hàn Quốc, Úc, đang có chính sách thu hút kỹ sư cơ khí từ Việt Nam với mức lương và điều kiện làm việc tốt.
10. Được làm việc trong môi trường năng động, thực tiễn cao: Kỹ thuật cơ khí thường làm việc với máy móc, hệ thống thực tế - điều này tạo nên môi trường năng động, không bị bó hẹp trong văn phòng và dễ thấy được giá trị công việc mình tạo ra.
4. Vị trí việc làm sau khi ra trường
Theo thống kê, sinh viên tốt nghiệp ngành cơ khí có thể làm việc tại khắp mọi miền đất nước cũng như tại các quốc gia khác, trong nhiều lĩnh vực công nghiệp và kinh tế khác nhau- Chuyên viên thiết kế, phát triển sản phẩm cơ khí:
- Chuyên viên nghiên cứu và phát triển (R&D) về công nghệ kỹ thuật cơ khí
- Kỹ thuật viên lập trình (CAD/CAM), gia công trên máy CNC.
- Kỹ thuật viên quản lý, điều hành sản xuất, lắp đặt các thiết bị máy móc cơ khí.
- Kỹ thuật viên lắp đặt, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng máy lạnh và điều hòa không khí.
- Kỹ thuật viên bảo trì, sửa chữa, nâng cấp các thiết bị cơ khí và hệ thống cơ điện tử.
- Kỹ thuật viên quản lý, bảo hành, sửa chữa ô tô
- Giảng viên hoặc nghiên cứu viên.
5. Phương thức xét tuyển vào ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí
Thí sinh lựa chọn 1 trong 4 phương thức xét tuyển sau đây:
- Xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội.
- Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025
- Xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT của lớp 12
6. Ưu đãi khi học ngành
Trở thành sinh viên của ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí, Trường Đại học Thái Bình, bạn có cơ hội nhận:
Các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội nhận học bổng toàn phần, mỗi suất trị giá 50 triệu đồng do doanh nghiệp tài trợ, dành cho thí sinh nhập học đạt một trong các điều kiện:
- Học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố đạt từ giải Ba trở lên;
- Chứng chỉ tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Pháp tương đương IELTS từ 6.0 trở lên.
- Điểm xét tuyển quy đổi đạt từ 25,0 điểm trở lên.
Sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất trị giá 25 triệu đồng do doanh nghiệp tài trợ, dành cho thí sinh nhập học đạt một trong các điều kiện:
- Học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố đạt giải Khuyến khích;
- Chứng chỉ tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Pháp tương đương IELTS từ 5.0 trở lên.
- Điểm xét tuyển quy đổi đạt từ 23,0 điểm trở lên.
200 suất học bổng tiếng Anh, mỗi suất trị giá 20 triệu đồng, dành cho thí sinh nhập học có Điểm xét tuyển quy đổi đạt từ 22,0 điểm trở lên
Các học bổng khuyến khích học tập có giá trị cao trong quá trình học tập do các doanh nghiệp trong và ngoài nước tài trợ.
Được học liên thông với các trường đại học top đầu tại Hà Nội.
Được học chương trình liên kết lấy bằng của trường đại học nước ngoài.
Được tạo điều kiện tham gia giao lưu, trao đổi sinh viên với các trường thuộc Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, …
Có cơ hội tham gia 02 khóa tiếng Hàn, tiếng Trung miễn phí tại Trung tâm của Nhà trường.
Được ưu tiên tuyển dụng làm giảng viên Trường Đại học Thái Bình và được hỗ trợ học phí trình độ sau đại học.







