CHIA SẺ CỦA TS. PHẠM THỊ ÁNH NGUYỆT VỀ CÔNG TÁC TUYỂN SINH VÀ THU HÚT GIẢNG VIÊN CÓ TRÌNH ĐỘ CAO
Vào ngày 10/5/2024, Câu lạc bộ các trường đại học địa phương (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) sẽ tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Chính quyền địa phương ở Việt Nam và sự phát triển của các trường đại học, cao đẳng trực thuộc” tại Trường Đại học Hạ Long (Quảng Ninh).
Trước sự kiện quan trọng của các trường đại học địa phương, Tiến sĩ Phạm Thị Ánh Nguyệt – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình đã có chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về những thuận lợi, khó khăn của các trường đại học địa phương đang phải đối mặt và đề xuất những giải pháp để các trường phát triển trong thời gian tới.
Cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương
Theo Tiến sĩ Nguyệt, qua hơn 25 năm hình thành và phát triển, nhiều thay đổi về cơ chế chính sách đối với giáo dục đại học, tuy nhiên các trường đại học địa phương đã cơ bản thực hiện được sứ mệnh và trách nhiệm của mình là nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Trong quá trình đó, các trường đại học địa phương có những điều kiện thuận lợi nhất định để phát triển.
Thứ nhất, trường đại học địa phương là trường đại học trực thuộc Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, được thành lập để phục vụ cho nhu cầu đào tạo nhân lực cho địa phương, đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì thế, các trường đại học địa phương thường nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố.
Thực tế cho thấy, trường đại học địa phương đã có nhiều đóng góp quan trọng về kinh tế, xã hội cho các tỉnh thành, cung cấp một phần nhân lực, nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất, đời sống địa phương, đồng thời đáp ứng một phần nhu cầu học tập của dân cư địa phương.
Thứ hai, các trường đại học địa phương hầu hết đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực nên thuận lợi trong việc đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực nhiều ngành nghề trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Thứ ba, các trường đại học địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để nắm bắt nhu cầu thị trường lao động tại địa phương, kết nối với các sở ban ngành, hiệp hội doanh nghiệp của địa phương, được tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, tư vấn chính sách cho chính quyền địa phương.
Quá trình hội nhập quốc tế tạo điều kiện cho các trường đại học địa phương có cơ hội đón nhận nguồn lực đa dạng hơn để phục vụ cho phát triển, bao gồm tài chính, khoa học công nghệ, văn hóa quản lý.
Trong điều kiện của các địa phương đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài, các trường đại học địa phương có nhiều cơ hội tiếp cận nhà đầu tư nước ngoài, các chuyên gia nước ngoài và đặc biệt là lực lượng chuyên gia giáo dục có trình độ quốc tế.
Các trường có cơ hội tiếp cận với các mô hình giáo dục hiện đại, các chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy tiên tiến của những quốc gia đã thành công trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, thông qua việc tham gia vào các đoàn xúc tiến đầu tư nước ngoài do tỉnh, thành phố tổ chức để các trường tăng cường liên kết đào tạo, kêu gọi tài chính từ đối tác hay các tổ chức quốc tế như World Bank, IMF…
Thứ tư, các trường đại học địa phương có thể phát huy lợi thế so sánh về chi phí với các trường đại học khác tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các trường trong công tác tuyển sinh vùng dân cư thu nhập thấp và trung bình.
Thứ năm, các trường đại học địa phương có nhiều cơ hội tiếp cận và triển khai đào tạo, bồi dưỡng các chương trình kỹ năng, chuyên môn ngắn hạn cho cá nhân, doanh nghiệp tại địa phương theo tinh thần học suốt đời, mang lại giá trị cho cộng đồng địa phương, trong đó phát triển kinh tế, xã hội là mục tiêu chính.
Nhiều khó khăn, thách thức
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Phạm Thị Ánh Nguyệt, trong bối cảnh tự chủ đại học ngày càng sâu rộng như hiện nay, các trường đại học địa phương đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.
Thứ nhất, khó khăn trong việc thay đổi nhận thức của phụ huynh, học sinh về trường đại học địa phương. Phụ huynh, học sinh chưa có thông tin đầy đủ, hiểu chưa đúng về chất lượng đào tạo của các trường đại học địa phương, hiệu ứng tâm lý đám đông đã ảnh hưởng đến việc lựa chọn đăng ký ngành nghề tại các trường đại học địa phương.
Mặt khác, nhiều sinh viên muốn theo học xa nhà tại các thành phố lớn chỉ bởi yếu tố tâm lý sau 12 năm gần gia đình, mong muốn tuổi trẻ được khám phá và tư duy độc lập.
Thứ hai, từ thực tiễn hoạt động của các trường đại học địa phương trong thời gian qua, có thể thấy công tác tổ chức đào tạo còn một số hạn chế.
Cụ thể, việc thiết kế chương trình đào tạo định hướng ứng dụng nhưng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Việc triển khai chương trình đào tạo chưa đảm bảo tính liên ngành, xuyên ngành, chưa thực sự liên kết đào tạo theo hướng mở, tạo mối quan hệ, cơ hội để người học có thêm thực tế để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học, chưa có cơ chế hướng dẫn cụ cho các trường đại học địa phương có thể triển khai xây dựng các mô hình 2+2, 1+3, 3+1 cùng với các trường đại học lớn khác trong và ngoài nước (như thực tế các trường đã liên kết đào tạo với các trường đại học quốc tế);
Các trường đại học địa phương còn thiếu linh hoạt trong việc chuyển đổi ngành đào tạo; Phương thức đào tạo còn cứng nhắc; thiếu chính sách phối hợp đào tạo, bồi dưỡng giữa trường và địa phương.
Xu hướng đào tạo các ngành có tính truyền thống của các trường đại học địa phương thay vì mở và đào tạo các ngành theo yêu cầu mới trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của địa phương, dẫn đến những khó khăn trong quá trình đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho địa phương tạo hiện tượng mất cân đối cung cầu lao động ngay tại địa phương.
Thứ ba, khó khăn trong công tác tuyển sinh. Việc các trường đại học trong cả nước cùng đưa ra nhiều chính sách học bổng ưu đãi lớn chưa thực sự hiệu quả, tạo sức nóng thiếu bình đẳng trong cạnh tranh tuyển sinh giữa các trường đại học lớn với các trường đại học địa phương.
Thứ tư, khó khăn về đội ngũ giảng viên có trình độ cao. Chính quyền các tỉnh, thành phố chưa thực sự quan tâm và có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về các trường đại học của địa phương.
Trong điều kiện thu nhập thấp, thiếu môi trường giao lưu học thuật, giảng viên thiếu động lực và gặp khó khăn về tài chính để học tập, nâng cao trình độ ở học vị tiến sĩ và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu chức danh phó giáo sư, giáo sư. Tiềm lực tài chính của các trường không đủ mạnh để có cơ chế hỗ trợ cán bộ giảng viên đi học hoặc thu hút người có trình độ cao đủ điều kiện đứng ngành, duy trì ngành.
Do vậy, việc đáp ứng chuẩn cơ sở giáo dục đại học về đội ngũ theo Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT là vô cùng khó khăn đối với các trường đại học địa phương.
Thứ năm, khó khăn về nguồn lực tài chính. Nguồn thu chính của nhiều trường đại học nói chung và trường đại học địa phương nói riêng ở nước ta cho đến nay còn phụ thuộc lớn vào học phí. Trong khi đa số các trường đại học ở địa phương có định mức học phí còn thấp (học phí do Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành áp dụng tại địa phương) nên nguồn thu từ học phí càng thấp hơn.
Công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và dịch vụ còn hạn chế nên học phí vẫn đang giữ vai trò là nguồn thu chính. Các trường đại học địa phương còn phụ thuộc nhiều vào ngân sách tỉnh, thành phố cấp, trong khi khó hoặc thậm chí không tiếp cận được các nguồn tài chính từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Việc xã hội hóa các nguồn lực còn vướng mắc, rào cản về thể chế nên các trường chưa tận dụng hết các nguồn lực để phát triển. Ví dụ: Những thủ tục phức tạp khi sử dụng tài sản công vào liên doanh, liên kết dẫn đến các trường có tâm lý e ngại khi đa dạng hóa hoạt động tăng thu từ việc sử dụng tài sản công dẫn đến việc sử dụng tài sản công kém hiệu quả.
Các chương trình đào tạo theo đặt hàng của địa phương rất ít, thậm chí có xu hướng các tỉnh lại đặt hàng đào tạo từ các trường lớn thay vì đặt hàng chính các trường đại học địa phương của tỉnh.
Chưa triển khai được các chương trình đào tạo sinh viên nước ngoài, phát triển hệ thống đào tạo lưu học sinh và các chương trình nước ngoài khác để thu hút nguồn lực tài chính quốc tế.
Đề xuất nhiều giải pháp cụ thể
Theo Tiến sĩ Phạm Thị Ánh Nguyệt, năm 2024, Trường Đại học Thái Bình được tỉnh Thái Bình đầu tư 100 tỷ để xây dựng toà nhà hội trường, giảng đường, dự kiến cấp thêm 100 ha đất để phát triển các loại hình đào tạo, dịch vụ…;
Tỉnh cũng chỉ đạo nhà trường triển khai xây dựng đề án đào tạo thu hút nhân tài đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cao theo chuẩn cơ sở giáo dục đại học với kinh phí gần 100 tỷ…
Nhà trường được tham gia góp ý các cơ chế chính sách của tỉnh, tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư, ký kết hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài do tỉnh tổ chức, các chương trình đào tạo bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh…
“Tuy nhiên, trước những yêu cầu mới trong điều kiện hội nhập và chính sách thay đổi, Trường Đại học Thái Bình cũng như các trường đại học địa phương khác phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức kể trên đòi hỏi phải có sự thay đổi, bứt phá và giải pháp chiến lược cụ thể”, Tiến sĩ Nguyệt nhấn mạnh.
Từ thực tiễn của Trường Đại học Thái Bình, Tiến sĩ Phạm Thị Ánh Nguyệt đã đề xuất các giải pháp để các trường đại học địa phương thực hiện, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh phát triển mới.
Theo đó, các trường đại học địa phương cần xác định đúng vai trò và vị trí của mình trong hệ thống giáo dục quốc dân, từ đó có định hướng và lộ trình cũng như các điều kiện về cơ chế phù hợp để phát triển các trường đại học địa phương.
Để thực hiện được tầm nhìn, sứ mạng, các trường đại học địa phương cần sự quan tâm đặc biệt của chính quyền tỉnh, thành phố, từ việc ban hành đề án, cơ chế chính sách đặc thù cho trường đại học địa phương để đào tạo, bồi dưỡng, thu hút giảng viên có trình độ cao về công tác (cơ chế hỗ trợ tài chính, cơ chế đãi ngộ điều kiện ăn ở và các điều kiện khác); cơ chế hỗ trợ đất đai cho các cơ sở giáo dục đại học đảm bảo chuẩn cơ sở giáo dục đại học; cơ chế đặt hàng, cơ chế sử dụng lao động địa phương, tạo điều kiện để các trường tham gia các đoàn xúc tiến đầu tư, các hoạt động của tỉnh, nắm bắt kịp thời định hướng, chỉ đạo, điều hành của tỉnh để xây dựng chiến lược, giải pháp phát triển phù hợp;
Chính quyền tỉnh, thành phố cần thực sự trao quyền tự chủ toàn diện cho các trường đại học địa phương. Việc trao quyền tự chủ toàn diện cho các trường bao gồm từ việc tự chủ tài sản, tài chính, đến việc tự chủ về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự, tự chủ về mặt học thuật, đào tạo (các hệ đào tạo, đối tượng đào tạo).
Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố cần tiếp tục đảm bảo vai trò đầu tư chủ yếu cho các trường, nhưng đồng thời hoàn thiện cơ sở pháp lý và chính sách để các trường đại học địa phương tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính. Nhà nước trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính.
Cho phép các trường đại học địa phương tự chủ về mặt tài chính đồng nghĩa với việc nhà nước tạo ra cơ hội cho các trường tiếp nhận được các nguồn vốn dồi dào hơn ngoài xã hội để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, phục vụ cho nhiệm vụ chính của các trường là đào tạo nguồn lực có chất lượng cho xã hội.
Hỗ trợ đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo, khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động tham gia hỗ trợ hoạt động đào tạo. Khuyến khích tăng cường sự gắn kết giữa đào tạo và nghiên cứu, giữa các trường đại học địa phương với các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực giáo dục đại học, đặc biệt là khuyến khích liên kết với những cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín, bảo đảm quyền sở hữu theo pháp luật và các quyền lợi về vật chất và tinh thần của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, các trường đại học địa phương phải có chiến lược phát triển trường cụ thể, bám sát định hướng chiến lược phát triển kinh tế xã hội của địa phương, của vùng; đổi mới cơ chế hoạt động theo hình thức tự chủ trên nền tảng hệ thống thiết chế quản trị đại học hiện đại hướng tới chuẩn mực quốc tế.
Tiếp đó, các trường đại học cần có sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chính quyền địa phương, các đại học lớn tư vấn để xây dựng chính sách chung giúp cho các trường địa phương hoạt động ổn định, đồng thời xây dựng hướng, kế hoạch phát triển lâu dài, cần tạo cơ chế dùng chung đội ngũ, cơ chế mở cho việc sử dụng giảng viên toàn thời gian đủ sức khỏe, trình độ tham gia mở ngành, duy trì ngành và hỗ trợ các trường đại học địa phương đào tạo đội ngũ nhân lực kế cận.
Thứ nữa, các trường đại học địa phương đa số là đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực nhưng việc xác định đâu là thế mạnh của trường, đâu chưa phải là ngành có thế mạnh nhưng lại là ngành cần thiết cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh thì giải pháp chiến lược như thế nào để có lộ trình phù hợp?
Các trường đại học địa phương cần phát triển các chương trình đào tạo theo mô hình 2+2; 3+1 là phù hợp với điều kiện tài chính, tạo cơ hội mở cho sinh viên. Sinh viên có thể học tại địa phương 2 hoặc 3 năm đầu và sau đó tiếp tục hoàn thiện chương trình học tập tại các trường danh tiếng hơn, vừa tiết kiệm tài chính vẫn có cơ hội tham gia học tập tại môi trường khác để đổi sánh, để học tập và thích nghi với các điều kiện mới, đặc biệt là tạo điều kiện cho sinh viên của các gia đình có thu nhập thấp, giúp tạo sự bình đẳng giữa các sinh viên gia đình có thu nhập chênh lệch giàu - nghèo trong tiếp cận đại học; vận hành trường có hiệu quả trong điều kiện mới.
Triển khai đào tạo liên ngành, xuyên ngành; Đối chiếu chương trình đào tạo với các trường lớn, đẩy mạnh liên kết trong đào tạo với các cơ sở giáo dục uy tín, đã có thương hiệu hướng tới công nhận học phần lẫn nhau; để thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho địa phương, nhất là các nhân lực làm việc ở các ngành nghề mũi nhọn, then chốt của tỉnh.
Bên cạnh nguồn thu từ học phí, các trường phải khai thác hiệu quả các nguồn thu tiềm năng, đa dạng hóa các nguồn thu phát triển các chương trình ngắn hạn cho doanh nghiệp, cá nhân, thu hút nguồn lực tài chính từ người học, từ các tổ chức mua sử dụng dịch vụ của trường.
Đồng thời đảm bảo công khai, minh bạch về chất lượng đào tạo để đảm bảo hài hòa giữa chi phí bỏ ra và lợi ích thu được của người học, xã hội giám sát hoạt động của nhà trường; Thành lập quỹ phát triển trường đại học địa phương…
Các trường đại học địa phương phải phát triển các hội đồng trong trường và hội đồng tư vấn phát triển trường với sự tham gia của các nhà khoa học có vị thế, uy tín,… góp ý cho chiến lược phát triển trường, giải pháp chiến lược trường qua từng giai đoạn, phát triển vai trò kết nối của các chuyên gia.
Các trường cần đẩy mạnh công tác tuyển sinh hướng nghiệp, phối hợp với các trường trung học phổ thông để tổ chức các động định hướng nghề nghiệp, tư vấn tuyển sinh cho học sinh phổ thông từ sớm, có thể thực hiện ngay từ lớp 10 hoặc sớm hơn; Đẩy mạnh việc hợp tác cùng các nhà tuyển dụng ở địa phương để mở rộng cơ hội nghề nghiệp, khuyến khích sinh viên theo học.
Các trường đại học địa phương đóng vai trò trung tâm kết nối tri thức và văn hóa cho cộng đồng địa phương, khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và văn hóa của tỉnh, khu vực. Do đó, các trường phải có tư duy mở như doanh nghiệp nhưng lại không được chủ động như doanh nghiệp về nguồn lực con người, cơ sở vật chất, tài chính,…
Thông qua các hoạt động này, các trường đại học cũng sẽ chủ động hơn trong việc xây dựng chính sách thu hút các nguồn tài trợ từ các tổ chức và cá nhân (trong nước cũng như quốc tế).
Theo Giaoduc.net.vn