Trường Đại học Thái Bình: Hiệu quả từ công tác đào tạo gắn liền với Nghiên cứu khoa học)

27/10/2024

Nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo rất lớn của học sinh, sinh viên trong lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật, đồng thời để tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, Trường Đại học Thái Bình đã khẳng định: gắn liền đào tạo với nghiên cứu khoa học ngay khi còn trên giảng đường nhằm tạo cho sinh viên một hành trang vững vàng về kiến thức của ngành công nghệ và trang bị, thúc đẩy năng lực nghiên cứu khoa học, phát huy một cách tốt nhất kiến thức đã học để áp dụng vào thực tế cuộc sống trong mọi lĩnh vực

Đề tài "Xây dựng phần mềm quản lý công tác nghiên cứu khoa học, triển khai thử nghiệm tại Trường Đại học Thái Bình" được nhóm sinh viên đại học khóa 9 ngành Công nghệ thông tin thuộc khoa Công nghệ và Kỹ thuật, Trường Đại học Thái Bình, đăng ký tham gia đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) cấp trường và đã vinh dự đạt giải Nhì tại Cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp trường năm 2024.  

Sinh viên Trương Minh Hiếu, Trưởng nhóm thực hiện chia sẻ: “Xuất phát từ thực tế tại trường, trong quá trình học tập và tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, nhóm sinh viên chúng em nhận thấy việc quản lý các đề tài NCKH tại trường còn thiếu các phần mềm hỗ trợ, giúp việc lưu trữ và tra cứu rất khó khăn. Sau khi trình bày với thầy giáo TS. Trần Hữu Anh, Trưởng ngành Công nghệ thông tin (CNTT), chúng em đã được thầy gợi ý và định hướng về việc sử dụng công nghệ để giải quyết vấn đề này.

Quá trình thực hiện nghiên cứu đề tài được chia thành 4 giai đoạn chính: Lập kế hoạch và phân công nhiệm vụ; Thu thập và phân tích yêu cầu; Thiết kế và phát triển phần mềm; Triển khai thử nghiệm và thu thập phản hồi. Đề tài nghiên cứu khoa học được nghiên cứu và hoàn thành trong vòng 1 năm.

Sự hướng dẫn tận tình của thầy Trần Hữu Anh cùng các thầy cô trong khoa đã đóng vai trò rất quan trọng trong suốt quá trình thực hiện đề tài. Thầy cô không chỉ cung cấp những gợi ý và hướng dẫn về mặt chuyên môn, mà còn thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt để theo dõi tiến độ, lắng nghe và góp ý cho những ý tưởng, giải pháp của chúng em. Sự tận tình và nhiệt huyết của thầy cô đã giúp chúng em hoàn thành đề tài một cách xuất sắc và đạt được kết quả cao trong cuộc thi.

Buổi thuyết trình của một nhóm Nghiên cứu khoa học của Khoa Công nghệ và Kỹ thuật, Đại học Thái Bình

Buổi thuyết trình của một nhóm Nghiên cứu khoa học của Khoa Công nghệ và Kỹ thuật, Đại học Thái Bình

Quan trọng hơn, qua dự án nghiên cứu khoa học tại Trường, chúng em có cái nhìn tổng quan hơn về cách thực hiện một đề tài NCKH, từ khâu viết thuyết minh, cách lập và triển khai kế hoạch, … cho tới khâu lập trình, sửa lỗi, đóng gói phần mềm và nghiệm thu đề tài. Giải Nhì đã là thành quả, là nguồn động viên lớn lao để chúng em thêm tự tin và có động lực để hoàn thành chương trình học Ngành CNTT tại Khoa Công nghệ và kỹ thuật một cách xuất sắc nhất.”

Tiến sĩ Trần Hữu Anh, Phó trưởng Khoa Công nghệ và Kỹ thuật - Trưởng ngành CNTT Trường Đại học Thái Bình, nhận định: “Phần lớn sinh viên ngành CNTT, các em đều rất yêu công nghệ và thích khám phá, tìm hiểu các kiến thức mới, tiếp cận mới, công nghệ mới. Nhiều sinh viên có khả năng tiếp thu rất nhanh, chịu khó trau dồi, học hỏi và tích cực tham gia vào các nhóm NCKH; thực hiện nhiều đề tài, xây dựng các ứng dụng mang tính thực tiễn cao. Bên cạnh đó, có nhiều đề tài tham dự hội thi Sinh viên NCKH cấp trường, các cuộc thi khác của Hội liên hiệp khoa học kỹ thuật tỉnh… và đã đạt giải cao.

Đề tài nghiên cứu khoa học "Xây dựng phần mềm quản lý công tác nghiên cứu khoa học, triển khai thử nghiệm tại Trường Đại học Thái Bình" mang tính thực tiễn cao vì xuất phát điểm là đi từ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý công tác NCKH của Nhà trường. Trong quá trình thực hiện, nhóm sinh viên cùng giảng viên hướng dẫn đã tìm hiểu, bám sát các yêu cầu của phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế (nay là phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác phát triển)”.

Tiến sĩ Trần Công Thức, Trưởng khoa Công nghệ và Kỹ thuật, Trường Đại học Thái Bình, cho biết: “Căn cứ vào kế hoạch chung của nhà trường, Khoa xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai tới toàn bộ cán bộ giảng viên, sinh viên đăng ký các đề tài nghiên cứu khoa học. Đề tài nghiên cứu khoa học được chia theo mảng chính: Thứ nhất là các đề tài ứng dụng như Thiết kế và chế tạo mô hình các thiết bị giảng dạy; Thứ hai là Biên soạn giáo trình, tài liệu tham khảo mới phục vụ giảng dạy; Thứ ba là nghiên cứu các quy luật biến đổi trong lịch vực chuyên môn...

Từ định hướng đề tài nghiên cứu của khoa, các nhóm sinh viên sẽ tự đánh giá năng lực để thành lập nhóm nghiên cứu và đăng ký với khoa. Sau khi được duyệt đề tài và thành viên của nhóm sinh viên sẽ được khoa bố trí giảng viên hướng dẫn nghiên cứu. Sau khi hoàn thành nghiên cứu, đề tài được khoa nghiệm thu và đề xuất tham gia hội thi sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường”.

Khoa Công nghệ và Kỹ thuật nói chung và ngành học CNTT nói riêng là ngành rất hấp dẫn và đạt được nhiều thành tựu to lớn trong những năm gần đây. Các tiếp cận nổi bật bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI: Artificial Intelligence), học máy (Machine Learning), học sâu (Deep Learning), thị giác máy tính (Computer Vision),… đã mở ra nhiều hướng đi mới trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu đối với giảng viên và sinh viên ngành CNTT của Nhà trường. Ngoài các kiến thức nền tảng được trang bị trong quá trình học, sinh viên có thể quan tâm, dành thời gian nghiên cứu chuyên sâu theo một trong các tiếp cận đó. Một mặt, giúp sinh viên có điều kiện tiếp cận các kiến thức mới, mặt khác giúp các em có thể tham gia vào các hoạt động NCKH, các đề tài, dự án CNTT ngay trong quá trình còn ngồi trên ghế giảng đường.

Tại Khoa Công nghệ và Kỹ thuật, Trường Đại học Thái Bình, sinh viên sẽ có cơ hội tiếp cận với một chương trình học phong phú và toàn diện. Với định hướng gắn chương trình đào tạo và lĩnh vực NCKH tạo bước tiền đề vững chắc cho sinh viên khi ra trường. Trong suốt các năm học, các em không chỉ được trang bị những kiến thức lý thuyết nền tảng về công nghệ theo 3 ngành học chính tại khoa như Công nghệ kỹ thuật điện điện tử, Công nghệ thông tin và Công nghệ kỹ thuật cơ khí mà còn được thực hành và áp dụng những kiến thức đó vào các bài tập, dự án thực tế.

Đặt biệt, ngành CNTT, khoa Công nghệ và Kỹ thuật, Trường Đại học Thái Bình, năm nay tuyển sinh thêm 2 chuyên ngành là Khoa học máy tính (Computer Scicence) và Công nghệ thông tin (Information Technology). Hiện là ngành HOT trong những năm gần đây.

Ngoài việc học tập, sinh viên còn có cơ hội tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học tại trường. Trường Đại học Thái Bình thường xuyên tổ chức các hội thảo, hội nghị khoa học, nơi sinh viên có thể trình bày và thảo luận các ý tưởng nghiên cứu của mình. Tham gia vào các dự án nghiên cứu không chỉ giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề mà còn mở rộng mối quan hệ với các thầy cô và bạn bè cùng ngành, từ đó học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu.

Hiện nay, Khoa Công nghệ và Kỹ thuật, Trường Đại học Thái Bình, đang có trên 1.000 sinh viên đang theo học ở bậc đại học. Là khoa có đội ngũ giảng viên nhiều nhất tại Trường Đại học Thái Bình. Đồng thời, cũng là khoa có số lượng đề tài nghiên cứu khoa học đăng ký nhiều nhất và đạt giải cao tại Trường.

Hằng năm, được sự quan tâm, tạo điều kiện của Ban Giám hiệu Trường Đại học Thái Bình, khoa Công nghệ và Kỹ thuật đã triển khai đăng ký các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, thu hút sự tham gia của 100% cán bộ, giảng viên của khoa và những nhóm sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học. Nhiều năm qua, đã có hàng trăm công trình, đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, cấp tỉnh được đăng ký và hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường của các nhóm sinh viên tiêu biểu, góp phần đáng kể trong thành tích chung của Trường Đại học Thái Bình trong công tác NCKH.

Kết quả nổi bật trong lĩnh vực NCKH của Trường Đại học Thái Bình, năm 2023, Trường đã vinh dự đạt 1 Giải Ba, 2 Giải Khuyến khích trong Hội thi Sáng tạo khoa học, công nghệ và kỹ thuật tỉnh Thái Bình lần thứ X.

Ts. Trần Hữu Anh và nhóm NCKH do thầy hướng dẫn

Ts. Trần Hữu Anh và nhóm NCKH do thầy hướng dẫn

Tính riêng, năm 2024, giảng viên khoa Công nghệ và Kỹ thuật, Trường Đại học Thái Bình đã đăng ký 15 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, 01 đề tài ở các cấp tỉnh, 01 đề tài cấp Nhà nước. Và 10 đề tài nghiên cứu khoa học của 4 nhóm sinh viên. Tiêu biểu trong đó là đề tài cấp Nhà nước KC4.0 do TS. Trần Hữu Anh – Phó trưởng khoa Công nghệ và Kỹ thuật - Trưởng ngành CNTT chủ nhiệm về nội dung ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào việc xử lý các bài toán liên quan tới bảo tồn hệ sinh thái và nuôi trồng thủy hải sản; ThS. Trần Minh Hải chủ nhiệm 1 đề tài cấp tỉnh: Nghiên cứu nâng cấp hệ thống tự động giám sát, xử lý chất lượng nước trong ao nuôi tôm thẻ chân trắng tại tỉnh Thái Bình.

Theo thuonghieucongluan.com.vn