GIỚI THIỆU NGÀNH LUẬT – TRƯỜNG ĐẠI HỌC THÁI BÌNH
Bối cảnh hội nhập kinh tế xã hội đặt ra nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản trong lĩnh vực pháp lý. Tất cả mọi người, trong tất cả các lĩnh vực từ kinh tế đến văn hóa, giáo dục cũng như khoa học, công nghệ, môi trường đều cần có hiểu biết nhất định về pháp luật. Chính vì lí do đó, ngành luật hiện nay đang thu hút đông đảo người dân ở mọi tầng lớp, đặc biệt là các bạn trẻ theo học bởi đây là ngành học có tiềm năng phát triển nghề nghiệp trong tương lai.

1. Mục tiêu đào tạo
Đào tạo ra cử nhân Luật có tư duy pháp lý sắc sảo, có kiến thức nền tảng, hệ thống và bao quát, có kỹ năng thích hợp và có kinh nghiệm bước đầu trong nghề luật. Cử nhân luật học có khả năng tiếp cận nhanh nhất tới các vấn đề pháp lý một cách có hiệu quả trong các công việc chuyên môn ở bất cứ cơ quan, tổ chức nào với một tinh thần trách nhiệm cao, đạo đức và thái độ thích hợp và khả năng phát triển tốt.
Chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Luật của Trường Đại học Thái Bình được xây dựng nhằm trang bị cho người học có kiến thức lý luận toàn diện, chuyên sâu về pháp luật, vững chắc về thực tiễn pháp lý và kiến thức cơ bản về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội có liên quan đến lĩnh vực pháp luật, kiến thức cần thiết về tin học, ngoại ngữ; kỹ năng nghiên cứu và thực hành nghề luật, kỹ năng giao tiếp ứng xử cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ trong nghề luật. Sản phẩm của chương trình đào tạo là các cử nhân luật có phẩm chất chính trị và phẩm chất đạo đức, có thể làm việc độc lập hoặc theo nhóm trong điều kiện làm việc thay đổi, chịu trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm với nhóm trong việc nghiên cứu, truyền bá và ứng dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh.
Về kiến thức:
Áp dụng các kiến thức cơ bản của khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên để tiếp nhận, nghiên cứu, lý giải các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến nhà nước và pháp luật.
Vận dụng được những kiến thức của khoa học pháp lý để nhận biết, phân tích, giải quyết các vấn đề pháp lý cụ thể, các vấn đề chuyên môn trong thực tiễn công việc và nghiên cứu khoa học pháp lý.
Về kỹ năng:
Giúp người học phát triển kỹ năng nhận thức, phân tích, tư duy, kỹ năng thực hành nghề nghiệp và kỹ năng thuyết trình, phản biện, giao tiếp, ứng xử cần thiết thuộc các lĩnh vực pháp luật, kỹ năng làm việc độc lập và kỹ năng làm việc nhóm để thực hiện các công việc chuyên môn tương xứng với vị trí nghề nghiệp
Về năng lực tự chủ và tự chịu trách nhiệm:
Có khả năng tự học tập suốt đời, năng lực học tập nâng cao trình độ, phát triển nghề nghiệp thuộc lĩnh vực khoa học pháp lý, khoa học xã hội. Giúp người học xây dựng ý thức trách nhiệm đối với cá nhân, cộng đồng, ý thức phục vụ đất nước và đạo đức nghề nghiệp, tuân thủ các quy định của pháp luật.
Đào tạo năng lực làm việc độc lập và theo nhóm trong điều kiện làm việc thay đổi, chịu trách nhiệm các nhân, trách nhiệm với nhóm trong việc hướng dẫn, phổ biến kiến thức thuộc ngành luật.
2. Vị trí việc làm của người học sau khi tốt nghiệp
Cử nhân ngành Luật có thể làm việc phù hợp và tốt tại các bộ phận sau của tổ chức: (1) Làm việc cho các cơ quan Đảng, các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp từ Trung ương tới địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội; (2) Các tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý của Việt Nam và nước ngoài; (3) Các doanh nghiệp trong và ngoài nước với tư cách là các chuyên viên, nhân viên pháp chế, tư vấn pháp luật, quản trị nhân sự, thu hồi nợ…; (4) Giảng dạy và nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu về pháp luật, hành chính - chính trị như các trường đại học, cao đẳng, trung học, trung tâm nghiên cứu, viện nghiên cứu… ; (5) Các tổ chức phi chính phủ, liên chính phủ hoặc các tổ chức quốc tế có các hoạt động liên quan đến pháp luật; (6) Hành nghề độc lập.
3. Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi ra trường
– Có khả năng tự học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận và kiến thức thực tiễn trong cuộc sống.
– Có khả năng học lên bậc học cao hơn (thạc sĩ, tiến sĩ) tại các cơ sở đào tạo luật trong và ngoài nước.
– Tham gia các khóa đào tạo chức danh tư pháp như Thẩm phán, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Luật sư, Công chứng viên, Thừa phát lại…
4. Khối lượng kiến thức toàn khóa
Thời gian đào tạo: 4 năm, chia làm 8 học kỳ
Tổng số tín chỉ của Chương trình đào tạo: 126 tín chỉ
Trong đó:
+ Kiến thức giáo dục đại cương: 27 tín chỉ
+ Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp và tốt nghiệp: 99 tín chỉ
5. Điểm mạnh của ngành Luật Trường Đại học Thái Bình
Chương trình đào tạo tiên tiến, hiện đại, có tính ứng dụng cao, phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp trong thực tế;
Đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao;
Cơ sở vật chất và môi trường học tập hiện đại;
Được thực tập, hành nghề tại các doanh nghiệp, văn phòng luật sư, cơ quan nhà nước và các tổ chức hành nghề luật từ năm thứ 3 đến khi tốt nghiệp;
Có cơ hội được cấp học bổng và các chương trình hỗ trợ, khuyến khích học tập;
Được giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp.