NHU CẦU LAO ĐỘNG NGÀNH CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY

27/04/2022

NHU CẦU LAO ĐỘNG NGÀNH CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY

ThS. Lê Thanh Hùng, phó trưởng khoa CNTT

I/Bối cảnh chung hiện nay liên quan đến ngành Công nghệ thông tin

1. Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19:

Mấy năm qua, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã khiến hầu hết các lĩnh vực kinh doanh bị ảnh hưởng tiêu cực, sản xuất đình trệ, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cước vận tải tăng cao,… Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, ngành Công nghệ thông tin vẫn nổi lên như một điểm sáng của nền kinh tế trong mùa dịch. Nhiều doanh nghiệp trong ngành đã nhanh nhạy nắm bắt để vươn lên và phát triển bền vững. Điều này cũng dễ hiểu vì trong thời gian dịch bệnh, xu hướng làm việc từ xa, xử dụng các ứng dụng trên các thiết bị thông minh trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, trong đó có cả lĩnh vực phòng chống dịch bệnh đã trở thành xu hướng để thích ứng với điều kiện mới.

Media/1_TH1062/FolderFunc/202204/Images/1png-20220427105008-e.png
Media/1_TH1062/FolderFunc/202204/Images/1png-20220427105008-e.png

2. Tăng trưởng dài hạn và bền vững

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, xu hướng chuyển đổi số đã giúp ngành Công nghệ thông tin đứng trước cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ dài hạn. Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, tổng doanh thu toàn ngành Công nghệ thông tin - Viễn thông Việt Nam năm 2020 đạt 120 tỷ USD, trong đó công nghiệp phần cứng đạt trên 107 tỷ USD; công nghiệp phần mềm đạt trên 5 tỷ USD; công nghiệp nội dung số đạt trên 900 triệu USD…

Trong giai đoạn 2016-2020, công nghiệp công nghệ thông tin có tốc độ tăng trưởng trung bình là 14,7%/ năm, cao hơn mức tăng trưởng kinh tế và chỉ tiêu của ngành (10%); công nghiệp phần mềm duy trì tốc độ tăng trưởng 15%/năm; công nghiệp phần cứng, điện tử, viễn thông tăng trưởng 20,24%/năm; công nghiệp nội dung số tăng trưởng 7,47%/năm. Kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử đạt hơn 93 triệu USD. Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2019, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nước dẫn đầu thế giới về sản xuất công nghiệp phần cứng, điện tử - viễn thông; đứng thứ hai về sản xuất điện thoại và linh kiện; thứ 10 thế giới về sản xuất điện tử và linh kiện, vượt qua nhiều cường quốc như Hoa Kỳ, Đức, Ấn Độ, Brazil, Singapore. Đây cũng là 2 mặt hàng chiếm vị trí số 1 và 3 trong danh sách 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đưa ngành Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông Việt Nam trở thành ngành xuất khẩu và xuất siêu lớn nhất của nền kinh tế.

II/Những ảnh hưởng của Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với tạo ra xu hướng mới về việc làm liên quan đến lĩnh vực Công nghệ thông tin

Theo các chuyên gia, cách mạng công nghiệp 4.0 đã thể hiện bước tiến vượt bậc trong việc nâng cao năng suất nhờ biến đổi phương thức vận hành và mối quan hệ giữa các yếu tố của quá trình sản xuất. Đồng thời sinh ra một hình thức kinh tế mới, đó là “nền kinh tế chia sẻ” với sức ảnh hưởng rộng và mang tính cách mạng như một số nền tảng gọi xe trực tuyến hay các không gian làm việc, thông qua hình thức doanh nghiệp và doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp và khách hàng.

Ngoài ra, cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra nhiều đột phá về công nghệ mới trong các lĩnh vực như sản xuất dựa trên trí tuệ nhân tạo, chế tạo robot, phát triển mạng internet, công nghệ in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học về vật liệu, lưu trữ năng lượng và tin học.

Theo đó, các công nghệ mới ra đời sẽ hình thành các ngành nghề mới, đặc biệt là những ngành nghề có sự liên quan đến Công nghệ thông tin, liên quan đến sự tương tác giữa con người với máy móc.

Việc phổ biến robot và công nghệ máy tính sẽ làm giảm khoảng 610.000 công việc lắp ráp và sản xuất thủ công, nhưng sẽ có 960.000 công việc bổ sung. Các lĩnh vực công nghệ thông tin, phân tích, nghiên cứu và phát triển đòi hỏi thêm 210.000 nhân sự có tay nghề cao... tất cả đều là những nguồn cung cấp cơ hội việc làm mới.

Không những vậy, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ tạo ra những ngành nghề mới lần đầu tiên xuất hiện như các nhà phân tích pháp y dữ liệu điện tử và quản lý khí thải carbon, kỹ sư phần cứng thông minh, nhân viên vận hành và bảo trì hệ thống thị giác công nghiệp, kỹ sư mạch tích hợp, nhân viên tư vấn bán hàng trực tuyến, giảng viên online, cùng với một nghề khá đặc biệt là chuyên viên dinh dưỡng calo và đánh giá khả năng tự chăm sóc của người cao tuổi dựa trên một hệ thống trí tuệ nhân tạo.

Media/1_TH1062/FolderFunc/202204/Images/2png-20220427105009-e.png
III/Nhu cầu lao động ngành Công nghệ thông tin hiện nay

Theo báo cáo thị trường nhân lực CNTT Việt Nam năm 2021 của TopDev, trong 5 năm trở lại đây, nhu cầu nhân lực CNTT tại Việt Nam không ngừng tăng cao. Trong năm 2021, Việt Nam cần 450.000 nhân lực CNTT, tuy nhiên, số lao động này hiện nay còn khan hiếm và sẽ không được lấp đầy trong tương lai gần. 

Sự thiếu hụt này xuất phát từ sự chênh lệch giữa trình độ của lập trình viên và các yêu cầu của doanh nghiệp. Cụ thể, hiện nay chỉ có khoảng 16.500 sinh viên (chiếm gần 30%) trong tổng số 55.000 sinh viên chuyên ngành CNTT đáp ứng được những kỹ năng và yêu cầu của doanh nghiệp cần. Năm 2022, Việt Nam sẽ thiếu đến 150.000 nhân lực khi nhu cầu thị trường tăng lên đến 530.000 người.

Thống kê của công ty tuyển dụng Navigos Group cho thấy, mức lương nhân sự chủ chốt CNTT dao động từ 30-90 triệu đồng, riêng lương kỹ sư mới ra trường ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) ở mức 1000-2000 USD/tháng; chưa kể với những lĩnh vực này, nhân sự còn có thể làm freelance cho nhiều công ty khác. Song, “cơn khát” nhân sự CNTT vẫn rất lớn.

Trong các lĩnh vực công nghệ giàu tiềm năng như Mobile Game, Blockchain, IoT, AI…, các chuyên gia đều đánh giá Việt Nam có đủ tiềm năng và cơ hội để cạnh tranh trên thị trường thế giới, thậm chí là cái nôi cung cấp nguồn nhân sự giỏi. Nhân sự CNTT, nhất là các lĩnh vực công nghệ mới như blockchain, AI… đã có những thành tích và ghi dấu ấn nhất định trên bản đồ công nghệ thế giới. Chính vì thế, nhiều tập đoàn lớn đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến tìm kiếm nhân sự công nghệ. Chiến lược quan trọng của Huawei tại Việt Nam trong tương lai là hợp tác với các đối tác hình thành 15 học viện Huawei, phối hợp với 100 cơ sở (của các trường đại học và các tổ chức) để đào tạo hơn 10.000 sinh viên trong ngành.

Media/1_TH1062/FolderFunc/202204/Images/3png-20220427105010-e.png

 

Kết luận

Hiện hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội đều có nhu cầu ngày càng cao về lao động ngành công nghệ thông tin. Cơ hội việc làm cho ngành công nghệ thông tin  hiện nay là rất lớn. Các doanh nghiệp liên quan trong lĩnh vực công nghệ thông tin đều đang rất cần nhân lực, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19, các đơn vị, tổ chức đều phải đầu tư vào nền tảng công nghệ số khiến ngành công nghệ thông tin có nhu cầu tuyển dụng tăng cao. Do vậy, trong tương lai gần nhu cầu nhân lực ngành công nghệ thông tin chưa có dấu hiệu "giảm nhiệt".