PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH PHẠM VĂN NGHIÊM LÀM VIỆC VỚI TRƯỜNG ĐẠI HỌC THÁI BÌNH
Sáng ngày 05/12/2024, tại Trường Đại học Thái Bình, đồng chí Phạm Văn Nghiêm, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Nhà trường để nghe báo cáo dự thảo Đề án "Đổi mới, phát triển Trường Đại học Thái Bình giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050". Buổi làm việc có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan trong tỉnh.



Về phía lãnh đạo tỉnh, có đồng chí Phạm Văn Nghiêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Phạm Đình Tùng, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh; đồng chí Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ; đồng chí Đặng Xuân Phong, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; đồng chí Phạm Đức Thành, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; đồng chí Bùi Văn Huân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Sở Tài chính; đồng chí Đào Duy Thái, Phó Giám đốc Sở Xây dựng; đồng chí Nguyễn Duy Chinh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; đồng chí Hà Thị Thu Phương, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Thái Bình và đại diện chuyên viên của các sở, ban, ngành, Cơ quan Đài phát thanh và Truyền hình Thái Bình, Báo Thái Bình.
Về phía Trường Đại học Thái Bình, tham dự có PGS. TS. Phạm Quốc Thành, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; TS. Phạm Thị Ánh Nguyệt, Chủ tịch Hội đồng Trường; TS. Hà Văn Đổng, Phó Hiệu trưởng cùng lãnh đạo các phòng, ban chức năng.

Mở đầu buổi làm việc, PGS.TS. Phạm Quốc Thành đại diện Trường đại học Thái Bình trình bày tóm tắt dự thảo Đề án "Đổi mới, phát triển Trường Đại học Thái Bình giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050". Báo cáo nêu rõ sự cần thiết của việc xây dựng đề án trong bối cảnh Trường Đại học Thái Bình đang nỗ lực khẳng định vị thế trong hệ thống giáo dục đại học cả nước. Theo báo cáo, Nhà trường đã đạt được những bước tiến đáng kể, nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức cần giải quyết. Đề án đặt ra ba khía cạnh trọng tâm để phát triển trường trong giai đoạn tới: Thứ nhất, là đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên; Thứ hai, tăng cường nghiên cứu khoa học và các công bố khoa học quốc tế, để nâng cao vị thế học thuật của trường; Thứ ba, là nâng cấp và xây dựng cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu dạy và học hiện đại, cũng như tạo môi trường nghiên cứu thuận lợi. Đặc biệt, Đề án cũng xác định mục tiêu đưa Trường Đại học Thái Bình trở thành trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội vào giai đoạn 2025-2030.
PGS.TS. Phạm Quốc Thành cũng đề xuất ba kiến nghị quan trọng. Nhà trường mong muốn tỉnh cho phép xây dựng Đề án "Đổi mới, phát triển Trường Đại học Thái Bình giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050". Đồng thời, đề nghị đưa định hướng phát triển Trường Đại học Thái Bình vào Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh; ban hành Nghị quyết riêng về phát triển Trường Đại học Thái Bình.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Văn Nghiêm bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các định hướng phát triển của Trường Đại học Thái Bình trong dự thảo Đề án. Đồng chí đánh giá cao công tác chuẩn bị của nhà trường và sự nghiêm túc trong việc xác định các mục tiêu trọng tâm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng với những bước đi chiến lược đúng đắn và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Trường Đại học Thái Bình có thể trở thành một trung tâm giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học có tầm ảnh hưởng không chỉ trong tỉnh mà còn trong cả khu vực.
Đồng chí Phạm Văn Nghiêm khẳng định, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ Trường Đại học Thái Bình trong xây dựng Đề án, đặc biệt là hỗ trợ các chính sách đầu tư cơ sở vật chất, đất đai; phát triển đội ngũ giảng viên trình độ cao; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học. Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh rằng việc xây dựng một đội ngũ giảng viên có trình độ cao, tận tâm với nghề sẽ là yếu tố then chốt trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Đồng chí cũng nhấn mạnh, việc Trường Đại học Thái Bình trở thành một trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội là mục tiêu cần đạt được trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, Nhà trường cần phải thực hiện các bước đi bài bản, xác định rõ các lĩnh vực trọng tâm trong nghiên cứu khoa học và đào tạo, đồng thời nâng cao chất lượng công bố khoa học.









Trong phần góp ý, đại diện các sở, ban, ngành đã đưa ra nhiều ý kiến bổ sung và đề xuất để hoàn thiện Đề án. Một trong những điểm nhấn được các đại biểu lưu ý là việc nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Các ý kiến đều thống nhất rằng Trường Đại học Thái Bình cần phải tập trung vào việc cải thiện chất lượng đội ngũ giảng viên, không chỉ trong giảng dạy mà còn trong nghiên cứu khoa học. Việc tạo ra một môi trường nghiên cứu mạnh mẽ sẽ giúp Nhà trường thu hút các nguồn tài trợ và hợp tác quốc tế, từ đó nâng cao uy tín.
Các đại biểu cũng cho rằng, bên cạnh việc phát triển đội ngũ giảng viên, Nhà trường cần phải gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để phát triển chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường lao động. Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng và xây dựng một hệ thống đánh giá toàn diện, giúp Nhà trường tự đánh giá và cải thiện chất lượng đào tạo. Một trong những vấn đề quan trọng khác được các đại biểu nhấn mạnh là việc nâng cấp cơ sở vật chất. Một số ý kiến đề xuất Trường Đại học Thái Bình cần có kế hoạch cụ thể về việc mở rộng và nâng cấp các cơ sở giảng dạy, nghiên cứu cũng như đầu tư vào hệ thống thiết bị hiện đại để phục vụ việc giảng dạy và nghiên cứu. Đặc biệt, việc xây dựng các khu ký túc xá, khu giảng đường với không gian học tập sáng tạo và khu tập luyện thể dục, thể thao sẽ tạo ra môi trường học tập tốt hơn cho sinh viên.
Ngoài ra, việc phát triển Trường Đại học Thái Bình thành một trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cần phải thực hiện từng bước, phù hợp với lộ trình và các yêu cầu về chất lượng đào tạo, nghiên cứu. Các đại biểu cho rằng, Nhà trường cần xây dựng một lộ trình phát triển rõ ràng, đảm bảo các yếu tố như chất lượng giảng viên, chương trình đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học và cơ sở vật chất, để có thể đáp ứng yêu cầu trở thành một thành viên chính thức của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Thay mặt Trường Đại học Thái Bình, PGS.TS. Phạm Quốc Thành gửi lời cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành, thành phố Thái Bình đã đóng góp những ý kiến quý báu trong việc hoàn thiện Đề án. Hiệu trưởng khẳng định rằng Nhà trường sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến chỉ đạo và xây dựng các kế hoạch cụ thể để hoàn thiện, triển khai Đề án thành công, đồng thời cam kết sẽ nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học, đầu tư cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên để Trường Đại học Thái Bình ngày càng phát triển vững mạnh.

Buổi làm việc kết thúc trong không khí hợp tác và đồng thuận cao. Các ý kiến đóng góp từ lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành, thành phố Thái Bình sẽ là cơ sở quan trọng để Trường Đại học Thái Bình tiếp tục hoàn thiện Đề án, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới. Đề án này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục đại học mà còn góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Thái Bình trong tương lai.
TBU MEDIA