Chức năng, nhiệm vụ phòng Tổ chức cán bộ

24/09/2021

Media/1_TH1062/FolderFunc/202110/Images/z2812949308834-c8ff023701ab24dde450843a9da97c1a-20211003084002-e.jpg

I. QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP PHÒNG TỔ CHỨC CÁN BỘ

Công tác tổ chức và tổ chức cán bộ là yếu tố cực kỳ quan trọng, quyết định đến sự tồn tại, phát triển của mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị và nó công cụ đặc biệt quan trọng được Đảng và Nhà nước sử dụng để lãnh đạo, điều hành, quản lý mọi hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội trong sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước.

Nhìn lại chặng đường lịch sử 60 năm truyền thống xây dựng và phát triển của Trường Đại học Thái Bình, từ năm 1960 đến nay, công tác tổ chức cán bộ có thể được sơ lược qua các giai đoạn lịch sử sau:

1. Giai đoạn 1960-1989: Trường là đơn vị trực thuộc Ty Tài chính (Sở Tài chính tỉnh Thái Bình ngày nay), có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kế hoạch - tài chính - kế toán cho các cơ quan đơn vị, nhất là khu vực kinh tế tập thể (Hợp tác xã) theo chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao.

Trong giai đoạn này, công tác tổ chức được giao cho một cán bộ trực tiếp thực hiện (trước năm 1978, cán bộ này thực hiện kiêm nhiệm; từ năm 1978, là trưởng phòng Tổ chức Hành chính trực tiếp thực hiện) theo sự chỉ đạo trực tiếp của Hiệu trưởng. Nhiệm vụ của công tác tổ chức cán bộ chủ yếu là thực hiện chế độ tiền lương, thưởng cho cán bộ, giáo viên và hồ sơ, còn nhiệm vụ tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ do phòng chuyên môn quản lý về nhân sự thuộc Ty Tài chính (nay là Sở Tài chính) thực hiện.

2. Giai đoạn 1989-2011: Năm 1989, sau khi hợp nhất Trường Kinh tế - Kỹ thuật tại chức Thái Bình vào Trường Trung học Kinh tế Thái Bình và tiếp nhận thêm một bộ phận của Trường Thương nghiệp thành Trường Kinh tế - Kỹ thuật Thái Bình trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình. Từ khi đó, công tác tổ chức cán bộ trực thuộc phòng Tổ chức Hành chính và nhiệm vụ của công tác tổ chức cán bộ chủ yếu tập trung vào giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, giáo viên và ổn định bộ máy sau sáp nhập.

Năm 2000, Trường Kinh tế - Kỹ thuật Thái Bình được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thái Bình; hệ thống các phòng, khoa, đơn vị trực thuộc Trường cũng từng bước được thành lập đầy đủ hơn.

Công tác tổ chức cán bộ thuộc phòng Tổ chức Hành chính. Nhiệm vụ của công tác tổ chức cán bộ là tham mưu, đề xuất, thực hiện soạn thảo giúp Ban Giám hiệu xây dựng quy chế, quy định quản lý hoạt động của Trường và các văn bản pháp quy về công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện các chế độ lương, thưởng, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, chuẩn bị điều kiện đội ngũ cho lập đề án thành lập trường đại học.

3. Giai đoạn 2011-2015: Tháng 9 năm 2011, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thái Bình được nâng cấp thành Trường Đại học Thái Bình.

Khi đó, công tác tổ chức cán bộ thuộc phòng Tổ chức - Hành chính - Quản trị. Nhiệm vụ của công tác tổ chức cán bộ được Ban Giám hiệu giao tương đối toàn diện từ khâu xây dựng kế hoạch, quy định, tổ chức thực hiện và đánh giá cán bộ công chức, viên chức, người lao động theo Luật viên chức và quy định của Tỉnh.

Tháng 10 năm 2014, thực hiện Quyết định số 2455/QĐ-UBND ngày 17/10/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình về việc tiếp nhận nguyên trạng Cơ sở phía Bắc tại Thái Bình của Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh giao cho Trường Đại học Thái Bình quản lý.

4. Giai đoạn 2015 đến nay: Sau khi thực hiện tiếp nhận Cơ sở phía Bắc của Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, phòng Tổ chức cán bộ được thành lập trên cơ sở bộ phận tổ chức của phòng Tổ chức - Hành chính - Quản trị của Trường Đại học Thái Bình và một bộ phận của phòng Tổng hợp của Cơ sở phía Bắc của Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhiệm vụ chủ yếu của công tác tổ chức cán bộ là tham mưu, đề xuất và giúp Ban Giám hiệu bố trí, sắp xếp nhân sự sau khi tiếp nhận, xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động của Trường, đề án vị trí việc làm và cơ cấu tổ chức bộ máy nhà trường, thực hiện các chế độ đối với cán bộ viên chức, người lao động để ổn định và phát triển Trường.

II. NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA PHÒNG TỔ CHỨC CÁN BỘ ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC THÁI BÌNH

Từ khi thành lập đến nay, phòng Tổ chức cán bộ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Những đóng góp trong công tác tổ chức cán bộ thể hiện trên những mặt chủ yếu sau:

1. Về tổ chức bộ máy của Trường

Phòng Tổ chức cán bộ đã tham mưu, giúp Hiệu trưởng tiếp tục thực hiện hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân sự các khoa, phòng, ban, trung tâm; bộ môn thuộc khoa, bộ phận thuộc phòng, ban, trung tâm đáp ứng yêu cầu thực tế, như Quyết định số 211/QĐ-UBND ngày 20/01/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Trường Đại học Thái Bình; sắp xếp, kiện toàn nhân sự các đơn vị trực thuộc; đề xuất cách thức quản lý, điều hành. Các đơn vị, bộ phận sau khi được bố trí, sắp xếp lại đều thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần vào việc thực hiện mục tiêu phát triển của Nhà trường.

2. Về công tác quy hoạch

Phòng Tổ chức cán bộ đã tham mưu cho Nhà trường triển khai xây dựng quy hoạch đội ngũ lãnh đạo các đơn vị từ Bộ môn đến cấp Khoa, Phòng, Ban, Trung tâm và cấp Trường. Thực hiện phương châm “mở” và “động”, mở rộng dân chủ và công khai, không khép kín, đồng thời gắn kết với đánh giá cán bộ và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn các chức danh lãnh đạo, quản lý, đáp ứng nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài của Trường.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, phòng Tổ chức cán bộ đã tham mưu giúp Đảng ủy, Ban Giám hiệu quy hoạch 130 lượt cán bộ, viên chức vào các vị trí cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc Trường. Trong đó, chức danh Hiệu trưởng: 04 đồng chí, Phó Hiệu trưởng: 12 đồng chí và 116 chức danh cán bộ quản lý cấp phòng và tương đương.

3. Công tác bổ nhiệm cán bộ

Phòng Tổ chức cán bộ tham mưu, đề xuất Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường việc triển khai công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đảm bảo đúng tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục, dân chủ, công khai gắn với quy hoạch đảm bảo về cơ cấu độ tuổi, cơ cấu cán bộ nữ, đặc biệt là trong việc sử dụng đội ngũ ngày càng hiệu quả và được trẻ hóa hơn. Vì vậy, cán bộ, viên chức của Trường được bổ nhiệm đã phát huy tốt năng lực lãnh đạo, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, phòng Tổ chức cán bộ đã tham mưu cho Trường thực hiện quy trình bổ nhiệm: 01 Hiệu trưởng, 03 Phó Hiệu trưởng; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 72 lượt cán bộ, viên chức, giao nhiệm vụ phụ trách đơn vị đến khi kiện toàn tổ chức bộ máy và chức danh lãnh đạo quản lý: 16 lượt cán bộ, viên chức.

4. Công tác đào tạo, bồi dưỡng

Trên cơ sở quy hoạch và kế hoạch đã được phê duyệt, phòng Tổ chức cán bộ đã chủ động đề xuất tham mưu, triển khai thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức.

Nhiều cán bộ, viên chức được cử đi đào tạo sau đại học, đào tạo cao cấp, trung cấp lý luận chính trị, tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ liên quan giảng dạy, quản lý, các lớp tập huấn về công tác quản lý tài chính, cải cách hành chính. Từ đó, làm cho chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức của Trường ngày càng phát triển cả về trình độ chuyên môn, chính trị, quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học; năng lực lãnh đạo, phẩm chất cán bộ.

5. Công tác đánh giá cán bộ, viên chức

Công tác đánh giá cán bộ được thực hiện theo hướng: xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, công khai kết quả; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Công tác đánh giá cán bộ viên chức được kết hợp quy trình bỏ phiếu với quy trình người đứng đầu đánh giá. Đây là quy trình mới để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác đánh giá, xếp loại cán bộ, viên chức.

Công tác đánh giá, phân loại cán bộ, viên chức ở Trường luôn được thực hiện đúng quy định, ngày một hoàn thiện về quy trình và tiêu chuẩn đánh giá, tạo thêm những động lực mới cho quá trình thực hiện nhiệm vụ, chức trách của đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động ở Trường.

III. ĐỊNH HƯỚNG TIẾP TỤC ĐỔI MỚI CÔNG TÁC TỔ CHỨC CÁN BỘ

Để phát huy tốt vai trò tham mưu, đề xuất giúp Đảng ủy, Ban Giám hiệu về công tác cán bộ với mục tiêu: Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, đáp ứng yêu cầu của Trường trong tình hình mới; Sắp xếp, kiện toàn, củng cố, ổn định tổ chức, bộ máy, biên chế, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước; Đẩy mạnh công tác đào tạo, bổi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức vừa hồng, vừa chuyên; Hoàn thiện đồng bộ các quy chế, quy định, nề nếp làm việc trong Trường nhằm từng bước thực hiện lộ trình tự chủ tài chính của Trường theo quy định của Luật Giáo dục đại học và các văn bản pháp luật liên quan.

Để thực hiện mục tiêu đó, trong thời gian tới, phòng Tổ chức cán bộ tiếp tục hoàn thiện và đổi mới công tác tổ chức cán bộ theo những định hướng sau:

1. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả đội ngũ làm công tác tổ chức cán bộ

  • Nâng cao nhận thức của người làm công tác tổ chức cán bộ
  • Tăng cường năng lực chuyên môn của người làm công tác tổ chức cán bộ
  • Nâng cao năng lực phân tích, nhận xét, đánh giá cán bộ viên chức

Đội ngũ làm công tác tổ chức cán bộ phải có tâm, có tầm, có năng lực phân tích, nhận định, nhận xét, đánh giá cán bộ viên chức, người lao động theo quy định, hướng dẫn về công tác đánh giá.

2. Hoàn thiện các quy định, quy chế về công tác tổ chức cán bộ

Kịp thời bổ sung, hoàn thiện quy định, quy chế liên quan đến công tác tổ chức quản lý, đánh giá cán bộ viên chức. Đổi mới công tác tổ chức cán bộ trước hết phải từ việc đổi mới, xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp quy. Việc xây dựng, ban hành các quy định, quy chế và các văn bản liên quan đến công tác tổ chức cán bộ theo hướng giao quyền tự chủ cho các đơn vị, bộ phận; gắn kết quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm với hiệu quả công việc. Đồng thời, văn bản quy định việc liên đới chịu trách nhiệm khi giới thiệu nhân sự vào các vị trí cán bộ quản lý của các đơn vị trực thuộc, của cá nhân người đứng đầu đơn vị khi có vấn đề xảy ra và xử lý các sai phạm (nếu có); chấn chỉnh hoặc kỷ luật đối với một số cá nhân, cấp ủy, tổ chức đảng có khuyết điểm, vi phạm trong công tác cán bộ; kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền, nâng cao chất lượng công tác tham mưu. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức đảng, cấp ủy và đội ngũ tham mưu có hành lang pháp lý để tổ chức thực hiện.

3. Đổi mới công tác đánh giá cán bộ viên chức

Đổi mới công tác đánh giá cán bộ viên chức theo hướng: Xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương.

Thực hiện có hiệu quả việc đánh giá cán bộ, viên chức, người lao động theo các tiêu chí xếp loại chất lượng viên chức theo quy định của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.

Kết quả đánh giá là căn cứ để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với cán bộ, viên chức.

4 Tái cấu trúc bộ máy nhà trường theo quy định pháp luật

- Xây dựng Đề án vị trí việc làm bám sát Nghị định 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ về về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập; tuyển dụng viên chức hợp lý và linh hoạt, đảm bảo vừa thực hiện tinh giản biên chế vừa bổ sung lực lượng kế cận có chất lượng, đủ năng lực;

- Xây dựng mô hình tổ chức gồm phòng, ban, khoa, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và các trung tâm dịch vụ có chức năng, nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng và chuyên nghiệp nhằm đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trong điều kiện lộ trình tự chủ và tác động của cách mạng công nghiệp 4.0; gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học và thực tiễn. Đặc biệt, cơ cấu lại các ngành và chuyên ngành nhằm cung cấp sản phẩm đáp ứng yêu cầu mới của xã hội trong môi trường hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0.

- Xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo và cán bộ khoa học đầu ngành; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, viên chức.

5. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách để cán bộ, viên chức, người lao động gắn bó với cơ quan, đơn vị

Thực hiện tốt chế độ chính sách đối với cán bộ, viên chức người lao động để tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc; có cơ chế, chính sách để tạo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và thu hút, trọng dụng người có trình độ, năng lực giỏi./.

                                                                               TRƯỞNG PHÒNG

 

                                                                                TS. Hà Văn Đổng